09:06 23/10/2009

Bất động sản Hà Nội: “Sốt” đất, ế nhà xây sẵn

Từ Nguyên

Trong khi giao dịch nhà xây sẵn có xu hướng chững lại thì số người tìm đến những mảnh đất phân lô, liền kề lại tăng chóng mặt

Những khu đất thuộc huyện Thanh trì, Láng - Hòa Lạc đang được các hộ dân từ chối bán vì hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Những khu đất thuộc huyện Thanh trì, Láng - Hòa Lạc đang được các hộ dân từ chối bán vì hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi giao dịch nhà xây sẵn có xu hướng chững lại thì số người tìm đến những mảnh đất phân lô, liền kề lại tăng chóng mặt.

“Cơn sốt” này có thể xem gần như trái ngược với những diễn biến của thị trường bất động sản Hà Nội hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hồi phục rõ ràng, hàng loạt dự án bất động sản trung - cao cấp lại đang vào giai đoạn sắp tung hàng ra thị trường, thì việc “sốt” đất tại nhiều khu vực ngoại thành lại là một điều cần phải làm rõ.

Nhà chung cư bị “chê”

Dạo quanh một vòng các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho thấy, hầu hết các khách hàng tìm đến đây phần lớn đều có chung một mục đích: tìm hiều thông tin về các khu đất ngoại thành. Chính vì vậy, số lượng giao dịch thành công đối với nhà chung cư, nhà xây sẵn đang có chiều hướng chững lại và sụt giảm hẳn so với thời gian trước.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản ACB cho biết, trong thời gian gần đây, số lượng khách hàng đến sàn này chủ yếu là tìm hiểu thông tin về đất hoặc nhà, đất đơn lẻ tại khu vực ngoại thành. Ngay cả số lượng giao dịch thành công qua sàn này đối với đất phân lô, liền kề cũng tăng lên, trong khi nhà chung cư đang có chiều hướng chững lại.

Theo ông Cảnh, sở dĩ lượng khách tìm hiểu đất, hoặc đất có sẵn nhà đơn lẻ, giá vừa phải được hỏi nhiều vì phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Chính vì vậy, thay vì phải dành dụm tiền để mua những căn hộ chung cư 2 - 3 tỷ, họ đã chọn phương án mua một mảnh đất giá vừa phải để giải quyết nhu cầu chỗ ở.

Còn theo anh Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Môi giới bất động sản - Công ty Đầu tư xây dựng Tân Minh, trong vòng một tháng trở lại đây, lượng giao dịch nhà chung cư, nhà xây sẵn tại công ty đột ngột giảm hẳn, chỉ khoảng 1 - 2 giao dịch thành công, so với hơn 10 giao dịch/tháng cách đây mấy tháng.

Vị này cho hay, hơn một tháng nay, tất cả các suất nhà dự án tại các khu “hot” như Văn Khê, Văn Phú, Bắc An Khánh, Mỹ Đình…mà doanh nghiệp này đăng báo, giao dịch thành công không đáng kể. Phần lớn khách hàng đều hỏi mua đất ngoại thành hoặc nhà đơn lẻ xây tạm .

Tuy nhiên, theo anh Hưng, thực tế khách hàng đến tìm hiểu thông tin về nhà căn hộ, nhà dự án vẫn khá đông, song tỷ lệ giao dịch thành công lại rất ít. Với kinh nghiệm của mình, theo anh, nhiều khả năng những nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đang quay trở lại đón đầu “làn sóng” đầu tư đất đai, thay vì “đổ bộ” vào nhà chung cư như thời gian trước.

“Tâm lý của nhà đầu tư cho rằng, giá nhà chung cư sẽ có xu hướng giảm xuống sau khi thông tin Hà Nội tiếp tục triển khai hàng loạt dự án khu đô thị mới được công bố. Chính vì vậy, bỏ tiền vào đất sẽ là giải pháp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn”, anh Hưng nhận định.

“Sốt” vì tin đồn

Theo tìm hiểu của người viết, trong số những người tìm mua đất hiện nay, cũng có khá nhiều người là nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản. Gặp chị Chu Phương Hồng (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) tại sàn bất động sản ACB, chị cho biết: nghe người dân đồn chỗ nọ, chỗ kia sắp có dự án, mở đường, lên quận… nên cũng tìm hiểu xem đất đai ở khu đó như thế nào.

Không giấu giếm, chị Hồng cho biết: hiện chị đã có hơn 300 m2 đất tại Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) sau khi có tin đồn huyện này sắp lên quận. Mảnh đất trên được chị mua hồi đầu tháng 9 vừa qua với giá 12 triệu/m2, nhưng hiện nay đã có người hỏi mua lại 14 triệu đồng/m2.

Chị cũng cho biết, hiện đang muốn tìm mua thêm một mảnh xung quanh khu Láng - Hòa Lạc kéo dài, thuộc khu vực Thạch Thất vì thông tin khu công nghệ cao ở đó sắp tới sẽ sầm uất và có nhiều dự án đi kèm.

Chuyện tin vào những tin đồn rồi đổ xô mua đất cũng khá thú vị với trường hợp của chị Vũ Thị Hạnh (Trần Khát Chân, Hà Nội). Hiện chị đã “ôm” gần 10 sào đất tại các xã Yên Trung, Đông Xuân (thuộc Hòa Bình cũ), với giá khoảng 200 triệu đồng/sào chỉ vì nghe tin khu vực này sắp có… siêu thị Pico Plaza.

Chị cho biết, không chỉ mình chị mà có nhiều đồng nghiệp (một cơ quan cấp bộ) đã đứng tên hàng chục sào đất tại khu vực này cũng chỉ vì tin đồn trên.

Trong khi đó, tại huyện Thanh Trì, hiện phần lớn các hộ dân có đất ở khu vực Cầu Bươu, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp, Ngọc Hồi… đều lắc đầu mỗi khi có người dạm hỏi mua đất.

Ông Nguyễn Tấn Đạt (thôn Yên Kiện, Ngọc Hồi) cho biết, gia đình ông vừa bán 100 m2 đất cách đây 2 tháng với giá 11 triệu đồng/m2, nhưng hôm trước, nhà bên cạnh đã bán 16 triệu đồng/m2.

“Dù hàng ngày có rất nhiều người vào thôn hỏi mua đất nhưng các hộ trong thôn đang có tâm lý nghe ngóng nên phần lớn đã dừng việc bán đất. Gia đình tôi hiện nay còn khoảng 400 m2 có thể bán nhưng không dại gì vội nữa. Nay mai Thanh Trì lên quận, giá sẽ còn cao nữa”, ông Đạt quả quyết.

Theo một chuyên viên của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có hai yếu tố tác động tạo nên “sốt” đất cục bộ hiện nay: hoặc là hiện tượng bình thường, xuất phát từ tâm lý “truyền miệng” trong giới kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ thủ đoạn tung tin đồn, tạo thông tin ảo đối với một số khu vực của giới đầu cơ nhằm phục vụ cho mục đích riêng của họ.

“Đó chính là điều mà giới đầu tư nhà đất cần phải tỉnh táo, nếu không may “bong bóng” bất động sản lại một lần nữa… xì hơi”, vị này khuyến cáo.