11:53 09/10/2008

Bắt giữ tàu biển không dễ!

Công Lý

Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển còn có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, nên sẽ khó thực thi

Những quy định trong Bộ luật Hàng hải chưa thể bao quát được hết những vấn đề phát sinh trong thủ tục yêu cầu bắt giữ tàu biển.
Những quy định trong Bộ luật Hàng hải chưa thể bao quát được hết những vấn đề phát sinh trong thủ tục yêu cầu bắt giữ tàu biển.
Vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, có hiệu lực từ 1/7/2009.

Tuy nhiên, xung quanh pháp lệnh này còn nhiều điểm khó áp dụng trong thực tế mà các văn bản hướng dẫn cần chú ý.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 đã có những quy định về việc bắt giữ tàu biển, trong đó cho phép toà án được quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải. Song, những quy định trong Bộ luật Hàng hải chưa thể bao quát được hết những vấn đề phát sinh trong thủ tục yêu cầu bắt giữ tàu biển, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế, những yêu cầu về pháp lý kinh tế trở nên rộng hơn, phức tạp hơn. Trong khi đó, phần lớn những yêu cầu về bắt giữ tàu biển có yếu tố thương mại quốc tế.

Những điểm khó thực hiện

Nhu cầu giao thương hàng hải ngày càng lớn, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ và luật pháp quốc tế. Ông Nguyễn Hữu Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, trong tình hình thực tế hiện nay, việc ban hành văn bản pháp luật về bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, để thi hành án và thực hiện tương trợ tư pháp về bắt giữ tàu biển là hết sức cần thiết.

Theo ông Từ Văn Nhũ, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển gồm 6 chương, 72 điều, và quyền quyết định về bắt giữ tàu biển được mở rộng xuống đến tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài.

Theo nhiều ý kiến, Pháp lệnh bắt giữ tàu biển còn có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế nên sẽ khó thực thi. Để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi yêu cầu bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh đã quy định tại khoản 5 về biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển. Theo đó, người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải có chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ 3 như ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, người yêu cầu bắt giữ tàu biển có thể gửi bảo lãnh bằng tiền, kim loại quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong toả tại nơi có trụ sở toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển mà mình yêu cầu.

Tuy nhiên, trong thực tế giá trị thiệt hại khi tàu biển bị bắt giữ sai sẽ được tính như thế nào? Thiệt hại gánh chịu từ những hợp đồng vận chuyển hàng hoá không thực hiện được hoặc thực hiện chậm so với hợp đồng do bị bắt giữ sai, điều này cần được hướng dẫn cụ thể.

Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển sẽ gây khó cho nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp vừa và nhỏ) với khả năng tài chính hạn chế. Ví dụ, doanh nghiệp A phải dồn hết vốn để thực hiện một hợp đồng mua bán hàng hoá với đối tác nước ngoài, tàu được thuê vận chuyển hàng hoá là tàu mang quốc tịch nước ngoài.

Trong trường hợp tàu vận chuyển làm mất, hư hỏng hàng hoá thì doanh nghiệp A phải yêu cầu toà án thực hiện việc bắt giữ tàu biển để giải quyết nhưng doanh nghiệp A lại không còn đủ khả năng tài chính để bảo đảm cho yêu cầu bắt giữ tàu biển của mình.

Trong trường hợp này được xem là một rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp A phải chịu thiệt hại lớn từ các chi phí khi tiến hành đòi bồi thường hợp đồng vận chuyển hàng hoá ở nước ngoài. Nếu tàu vận chuyển gây thiệt hại bị bắt giữ khi hoạt động tại vùng biển Việt Nam sẽ bớt đi rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp A.

Đảm bảo tài chính gây khó cho doanh nghiệp

Ông Từ Văn Nhũ cho rằng biện pháp bảo đảm tài chính này nhằm buộc trách nhiệm của bên yêu cầu bắt giữ tàu biển trong trường hợp yêu cầu sai dẫn đến thiệt hại cho bên tàu biển bị bắt giữ. Trong thực tế, rất có thể xảy ra trường hợp bên yêu cầu bắt giữ tàu biển đưa ra yêu cầu không chính xác nhằm gây thiệt hại cho tàu biển bị bắt giữ.

Tuy nhiên, tại Điều 4 của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển đã nêu rõ trách nhiệm của người yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng. Theo đó người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, phải bồi thường thiệt hại khi yêu cầu sai. Như vậy bên yêu cầu bắt giữ tàu biển phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Đây là một ràng buộc về pháp lý mà người yêu cầu có thể biết trước hậu quả pháp lý mình phải gánh chịu khi đưa ra yêu cầu sai.

Trong khoản 3 điều 4 của Pháp lệnh đã nêu ra trường hợp ra quyết định bắt giữ tàu biển sai Toà án phải chịu trách nhiệm bồi thường. Như vậy toà án phải có trách nhiệm xác minh yêu cầu bắt giữ tàu biển, trong đó có việc bắt buộc bên đưa ra yêu cầu phải cung cấp hồ sơ chứng minh. Việc xác minh không chính xác toà án phải chịu trách nhiệm vì bên yêu cầu bắt giữ tàu biển đã phải trả lệ phí cho việc thực hiện bắt giữ.

Thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính khi yêu cầu bắt giữ tàu biển là điều khó có thể thực hiện đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như đối với cá nhân. Việc yêu cầu mức bảo đảm tài chính là bao nhiêu, tương ứng với mức thiệt hại khi yêu cầu như thế nào cần được quy định rõ ràng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ lượng sức mình khi đưa ra yêu cầu bắt giữ tàu biển.