07:50 31/07/2024

Bầu cử Mỹ tác động thế nào đến chứng khoán Việt Nam?

Tuệ Lâm

Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, sẽ có nhiều chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc Đương kim Tổng thống Joe Biden rút lui, không tham gia tái tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo và chuyển qua ủng hộ ứng viên Kamala Harris, điều này khiến cho giới quan sát càng có thêm niềm tin rằng ông Donald J. Trump có cơ hội nhiều hơn để có nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2.

Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, sẽ có nhiều chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, theo Chứng khoán BSC. 

NHIỀU CHÍNH SÁCH CỦA ÔNG TRUMP TÁC ĐỘNG LÊN KINH TẾ TOÀN CẦU

Quá khứ cho thấy, trong thời kỳ ông Trumg đắc cử Tổng thống năm 2016, đã có nhiều thay đổi của Mỹ trong các mối quan hệ quốc tế.

Tháng 1 và tháng 3 năm 2018, chính quyền Trump đánh thuế lên nhập khẩu hàng hoá liên quan đến tấm pin năng lượng mặt trời trị giá 8,5 tỷ USD/năm, máy rửa bát trị giá 1 tỷ USD, thường xuyên nhắm đến Trung Quốc và Hàn Quốc, và đánh lên nhập khẩu Nhôm và Thép (trị giá 48 tỷ USD) lên một vài quốc gia, phần lớn là các quốc gia đồng minh của Mỹ (các miễn trừ ban đầu đối với thuế nhôm và thép được cấp cho Canada, Liên minh Châu Âu [EU] và Mexico đã được dỡ bỏ vào tháng 6.

Tháng 4 cùng năm, Trung Quốc áp đặt thuế trả đũa đối với nhiều loại hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá 2,4 tỷ đô la mỗi năm, tương đương với số tiền nhập khẩu nhôm và thép của Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Trump.

Sau khi chính thức phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng, vào tháng 6 cùng năm, chính quyền Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối với thêm 50 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải công bố mức thuế tương đương. Các mối đe dọa và phản đe dọa về mức thuế bổ sung đã sớm xảy ra, và đến tháng 7, hai nước đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Nếu ông Trump đắc cử lần này, sẽ có nhiều chính sách tương tự được áp dụng. Thứ nhất, liên quan đến tiền tệ. Các đồng tiền khác rẻ hơn tương đối so với đồng đô la Mỹ, tạo ra lợi thế xuất khẩu cho các quốc gia đó. Vì thế, ông Trump sẽ can thiệp để các đồng tiền nước ngoài phải mạnh lên so với USD. Mong muốn sâu xa là làm sống lại nền sản xuất trong nước, và sẽ trừng phạt mạnh tay những doanh nghiệp sản xuất tạo ra việc làm ở ngoài nước Mỹ.

Thứ hai: liên quan đến vấn đề lạm phát. Ông Trump chỉ ra rằng, nước Mỹ gặp khó khăn trong thời gian vừa qua là do lạm phát. Và lạm phát này chủ yếu đến từ việc giá dầu leo thang và neo cao trong những năm vừa qua, và việc giá dầu cao cũng là nguyên nhân tại sao chiến tranh trên toàn cầu chưa chấm dứt. Chính vì thế, ông Trump sẽ tiến hành thúc đẩy, mở lại sản xuất cho ngành năng lượng, để chấm dứt vấn đề khan hiếm nguồn cung.

Thứ ba: liên quan đến chủ tịch FED. Khác với thời kỳ 1.0, ở thời điểm hiện tại, cựu Tổng thống. Mỹ Donald Trump một phần ủng hộ những động thái gần đây của Jerome Powell, và ủng hộ chủ tịch FED đương nhiệm sẽ hoàn thành hết nhiệm kỳ chủ tịch (đến hết tháng 1/2026). Ngoài ra, Donald J. Trump cũng thể hiện bày tỏ cách điều hành chính sách hiện tại của FED.

Thứ tư: liên quan đến chính sách tài khoá. Ông ủng hộ việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở nhiệm kỳ của 1.0, ông đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% về mức 21%. Với chiến dịch sắp tới, ông muốn hạ tiếp, trước tiên là mức 20%, sau đó là mức 15%. Và ông cũng thừa nhận việc sẽ gặp phải khó khăn khi đưa ra chính sách này trước Quốc hội.

Thứ năm: liên quan đến người đứng đầu Bộ Kho bạc của Mỹ. Ông có ý đề của Jamie Dimon, hiện tại ông này đang là CEO của JP Morgan Chase.

Thứ sáu: liên quan đến nhóm Big Tech. Đối với các nền tảng xã hội, ông cho rằng, ở Mỹ, chỉ có nền tảng X (trước đây là twitter), Facebook và Instagram (thuộc về tỷ phú Mark Zuckeberg), và những nền tảng này đang bóp méo các chuẩn mực xã hội của Mỹ, do đó, ông sẽ không loại trừ việc cho phép TikTok vào hoạt động trên đất Mỹ, để tạo ra cuộc cạnh tranh hợp lý.

Liên quan đến chính sách đối ngoại. Ông dự định sẽ tăng thêm 60% lên thuế quan các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% lên tất cả các hàng hoá nhập khẩu từ toàn cầu. Ngoài ra, các điểm nóng chính trị trong khu vực sẽ vẫn được duy trì cách giải quyết như thời Trump 1.0, tức là, sẽ thu phí để bảo hộ các nước đồng minh. Bên cạnh đó, ông cũng luôn thể hiện tinh thần làm việc trực tiếp 1-đối-1 để giải quyết vấn đề, và lôi kéo đồng minh ủng hộ ông.

Nguồn: Chứng khoán BSC. 
Nguồn: Chứng khoán BSC. 

CHỨNG KHOÁN ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO?

Theo Chứng khoán KBSV, kịch bản ông Trump quay trở lại làm Tổng thống có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc do: ông Trump đã tuyên bố sẽ gia tăng thuế quan với mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông thắng cử nhiệm kỳ hai.

Chiến tranh thương mại vốn làm thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao giai đoạn 2018-2019 hoàn toàn có thể quay trở lại. Nhiều khả năng thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ càng thêm trầm trọng nếu ông Trump trúng cử, chi tiêu công được đẩy mạnh, việc kiểm soát lạm phát sẽ thêm phần khó khăn và FED sẽ khó có thể hạ lãi suất với lộ trình như thị trường kỳ vọng.

Chính trị Mỹ sẽ có nhiều biến động, các chính sách mới khó dự đoán hơn và điều này sẽ làm tăng thêm yếu tố rủi ro cho thị trường.

Đối với thị trường chứng khoán Việt nam, bên cạnh mối tương quan cao với thị trường chứng khoán Mỹ và thường có xu hướng điều chỉnh khi S&P500 giảm, việc ông Trump trúng cử có thể gây ra rủi ro tăng trưởng kinh tế khi hoạt động thương mại giữa 2 nước rơi vào tầm ngắm do Việt Nam đã gia tăng thặng dư thương mại tương đối đáng kể với Mỹ kể từ năm 2020-2021.

Mỹ thường xuyên thâm hụt thương mại với Việt Nam ở mức kỷ lục xếp thứ 3. Rủi ro bị đánh giá là quốc gia thao túng tiền tệ, cùng những hàng rào thuế quan có thể bị dựng lên sẽ khiến hàng hoá Việt Nam khó khăn hơn để vào Mỹ. Đây cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

KBSV hạ mức dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2024 xuống 1.320 điểm giảm từ mức 1.360 đưa ra trong báo cáo gần nhất.  Đồng thời, KBSV giảm mức P/E mục tiêu của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm xuống 15 lần từ mức 15,3 lần trong báo gần nhất, phản ánh tác động mạnh hơn của yếu tố lãi suất tăng, cũng như các rủi ro liên quan đến kỳ bầu cử Mỹ cuối năm.

"Xu hướng thị trường sẽ biến động giằng co trong quý 3, và có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh đáng kể giai đoạn giữa quý, trước khi quay trở lại xu hướng tăng trong quý 4. Chúng tôi cho rằng áp lực tỷ giá, lãi suất vẫn sẽ căng thẳng trong ít nhất nửa đầu quý 3, và sẽ chỉ dần hạ nhiệt khi bước vào quý 4, nhờ dòng ngoại tệ đến từ kiều hối, mùa xuất khẩu cao điểm dịp cuối năm, cũng như việc FED hạ lãi suất", KBSV nhấn mạnh.