13:58 24/12/2021

Bị động nguồn nguyên liệu thức ăn, ngành chăn nuôi nhập siêu hơn 3,8 tỷ USD trong năm 2021

Chu Khôi

Năm 2021, ngành chăn nuôi chịu áp lực từ cả giá đầu vào tăng liên tục, lẫn sức ép từ đầu ra do giá lợn, giá gà lao dốc. Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% trong cấu trúc chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu...

Giá lợn hơi được dự báo vẫn ở mức thấp trong năm 2022.
Giá lợn hơi được dự báo vẫn ở mức thấp trong năm 2022.

Tại hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, cho biết ngành chăn nuôi năm 2021 gặp nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm đầu ra xuống thấp, giá thức ăn tăng cao. Tuy nhiên, sản lượng thịt, trứng, sữa vẫn tăng để đảm bảo được nhu cầu về thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước.

NHẬP SIÊU VẪN RẤT LỚN

Cục Chăn nuôi ước tính, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5,6%. Đến thời điểm này, đàn lợn cả nước vẫn được duy trì 28,1 triệu con; khoảng 8,8 triệu con trâu bò.

Tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1%); thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8%); thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%); sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%); sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm nay ước đạt 440 triệu USD, tăng 4,0 % so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 3,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2020. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ yếu là sữa (lên tới 1,5 tỷ USD, tăng 12%), sau đó đến thịt bò và bò sống, lợn và thịt gà.  Như vậy, chỉ tính riêng về thương mại sản phẩm chăn nuôi, đã thâm hụt thương mại tới gần 3 tỷ USD.

Ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 đạt 21,4 triệu tấn (tăng 5,9% so với năm 2020), trong đó thức ăn cho lợn đạt khoảng 10,88 triệu tấn (tăng 22%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 8,7%), thức ăn cho vật nuôi khác khoảng 0,76 triệu tấn (tăng 7,3%).

 

Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2021 lên tới 4,9 tỷ USD, tăng 29% so với 2020. Điều này dẫn đến ngành thức ăn chăn nuôi nhập siêu tới hơn 3,8 tỷ USD.

Một điểm nhấn của ngành chăn nuôi năm nay là xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 1,049 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 75,6% so với năm 2020. Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia tăng 22,7%; chiếm 14,1% và đứng thứ 2 về kim ngạch. Xuất khẩu thức ăn gia súc tăng mạnh ở nhiều thị trường: sang Philippines tăng 165,3%, sang Thái Lan cũng tăng mạnh 78,2%.

Nhìn lại năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam đã trải qua nhiều thách thức lớn khi chịu áp lực từ cả giá đầu vào tăng liên tục, lẫn sức ép từ đầu ra do giá lợn, giá gà lao dốc.  Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% trong cấu trúc chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu các mặt hàng ngô, lúa mì và đậu tương.

Sự thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam làm gia tăng rủi ro và lệ thuộc vào giá nông sản thế giới, minh chứng rõ ràng nhất là giai đoạn nửa đầu năm nay khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đều đồng loạt tăng mạnh. Hiện nay, mặc dù giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã ổn định ở mức thấp hơn so với hồi tháng 6 nhưng bài toán chi phí lại một lần nữa là vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào có nguy cơ tăng trở lại.

GIÁ LỢN HƠI DUY TRÌ Ở MỨC THẤP TRONG NĂM 2022

Năm 2021, ngành chăn nuôi lao đao do giá lợn hơi, gà thịt xuất chuồng xuống thấp dưới giá thành. Trong nửa sau năm 2021, giá lợn hơi toàn cầu đã bước vào thời kỳ lao dốc khi đàn heo tại Trung Quốc được phục hồi sau dịch tả châu Phi (ASF).

Triển vọng nguồn cung thịt thế giới trở nên tích cực hơn, cùng với việc Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu thịt cũng đã gián tiếp tạo sức ép lên giá thịt lợn hơi tại thị trường Việt Nam. Giá lợn hơi xuất chuồng trong nước có thời điểm xuống tới ngưỡng 35.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp lông trắng cũng xuống dưới giá thành, khiến nông dân chăn nuôi thua lỗ.

Đến nay khó khăn với người chăn nuôi cơ bản cũng đã được tháo gỡ, nhưng thực tế giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180% nên chi phí chăn nuôi cũng bị đẩy lên cao.  Thông thường giá lợn hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ Tết.

Tuy nhiên năm nay, giá lợn những ngày qua có tăng so với những tháng trước, nhưng không đáng kể. Đây là điều khiến nông dân đang thấp thỏm lo âu về thị trường và giá cả khi nhiều đàn lợn sẽ bán vào đúng dịp Tết.

Hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức 48.000-50.000 đồng/kg. Các chuyên gia ngành chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi có nhiều khả năng sẽ còn giảm hoặc duy trì ở mức thấp trong quý 1/2022 khi mà lo ngại về những biến chủng mới của Covid-19 sẽ khiến cho các biện pháp chống dịch được siết chặt.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ trực tiếp từ các nhà hàng và bếp ăn tập thể mà còn gây cản trở việc lưu thông. Ở một góc nhìn lạc quan hơn, trong kịch bản dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, giá lợn hơi có khả năng sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ nhưng sẽ vẫn ở mức thấp trong quý 1/2022.

 

Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4% đến 5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4,0%; sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỷ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Tạo nguồn lực cho Chiến lược phát triển chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng cho rằng, năm 2022, theo dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2021 tác động kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ các loại nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm sữa, mật ong chế biến, thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả ngành chăn nuôi đã đạt được trong năm 2021 và yêu cầu Cục Chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tạo nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

“Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, phải giải quyết bài toán môi trường, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, về khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò để tạo động lực xây dựng chuỗi khép kín. Việc thực hiện Chiến lược phải đặt mục tiêu cho từng năm, gắn liền với đó phải có giải pháp để thực hiện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.