09:52 02/12/2014

Bi kịch đang đến với đồng Rúp Nga

Diệp Vũ

Rất hiếm khi đồng tiền của một quốc gia lớn lại mất giá thảm hại như những gì đang diễn ra đối với đồng Rúp

Nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì 
động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới 
mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.
Nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.
Đồng Rúp của Nga hôm qua (1/12) đã có phiên mất giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở nước này năm 1998. Trong phiên giao dịch, có thời điểm đồng tiền này mất giá khoảng 9% so với đồng USD trước khi chốt phiên ở mức giảm khoảng 4%.

Trao đổi với hãng tin Reuters, một số nhà giao dịch cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga có thể đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn không cho đồng nội tệ giảm giá sâu hơn.

“Chắc là Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp”, một nhà giao dịch nói.  “Có lẽ họ đã phải chi hàng tỷ USD để cứu tỷ giá phiên này”, nhà phân tích Tim Ash thuộc ngân hàng Standard Bank phát biểu với tờ Telegraph.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga không bình luận gì về vấn đề này.

Vào cuối ngày giao dịch, tỷ giá đồng Rúp giảm 3,9% so với đồng USD, còn 52,45 Rúp đổi 1 USD và giảm 3,8% so với đồng Euro, còn 65,39 Rúp “ăn” 1 USD.

Thị trường chứng khoán Nga cũng giảm điểm mạnh, với chỉ số RTS tính bằng đồng USD giảm 3,1%, còn 944 điểm. Trước đó, có lúc chỉ số này rớt xuống 930 điểm, thấp nhất trong 5 năm.

Giá dầu giảm sâu được cho là một nguyên nhân khiến đồng Rúp Nga mất giá mạnh. Giá dầu thô Brent hôm qua tại thị trường London đã chạm mức đáy của 5 năm, với 69,6 USD/thùng. Giá dầu  duy trì đà giảm mạnh sau khi Trung Quốc công bố thống kê kém khả quan và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuần trước tuyên bố giữ nguyên sản lượng khai thác.

Vào cuối phiên giao dịch, giá dầu phục hồi mạnh, với giá dầu Brent tăng 3% và giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng 4%. Tuy vậy, sự phục hồi này không giúp đồng Rúp thoát một ngày rớt giá thảm.

Các chuyên gia cho rằng, cú sốc từ quyết định của OPEC đồng nghĩa với việc thị trường đang phản ánh khả năng dầu thô sẽ “rẻ bèo” trong một thời gian kéo dài. Dự báo này dẫn tới việc đánh giá lại giá trị tài sản Nga.

Dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga và một nửa nguồn thu ngân sách liên bang của nước này. Những con số này cho thấy nền kinh tế Nga và giá tài sản của nước này phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng toàn cầu.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng Rúp đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 50 Rúp đổi 1 USD. Cho tới gần đây, hầu như ít ai có thể tưởng tượng đồng tiền này lại mất giá tới vậy. Từ giữa năm tới nay, đồng Rúp đã mất giá khoảng 1/3.

“Đồng Rúp chỉ có thể được hỗ trợ nếu giá dầu ổn định trở lại. Các yếu tố khác không có nhiều ý nghĩa quan trọng”, nhà giao dịch Igor Zenlentsov thuộc ngân hàng Globex Bank nhận định trong một báo cáo. Theo nhà giao dịch này, với mức giá dầu như hiện tại, đồng Rúp có thể giảm giá tới mức 53-55 Rúp đổi 1 USD.

Hôm 10/11, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định thả nổi đồng Rúp thay vì đưa ra một biên độ giao dịch cho tỷ giá đồng nội tệ. Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga chưa có động thái can thiệp nào tiếp theo vào thị trường ngoại hối mà chỉ nói là sẽ can thiệp nếu sự mất giá của đồng Rúp đe dọa sự ổn định tài chính.

Bởi vậy, nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.

Tờ Telegraph cho rằng, rất hiếm khi đồng tiền của một quốc gia lớn lại mất giá thảm hại như những gì đang diễn ra đối với đồng Rúp, và sự sụt giá này rất có thể sẽ dẫn tới việc Nga phải tung các biện pháp kiểm soát vốn.

“Tình hình đã trở nên mất trật tự. Chẳng có ai mua đồng Rúp. Chúng tôi biết là những nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin đều đang muốn có biện pháp kiểm soát dòng vốn, và chúng tôi không thể loại trừ khả năng này”, ông Lars Christensen thuộc ngân hàng Danske Bank nhận xét.

“Các vấn đề vốn đối với Nga đang tăng mạnh. Chúng tôi cho ràng Nga đang có nguy cơ phải đương đầu với các vấn đề trong hệ thống”, ông Christensen nói thêm.

Hiện một số ngân hàng Nga đã bắt đầu áp hạn chế rút ngoại tệ ở ngưỡng 10.000 USD.

Cách đây 10 hôm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói, các biện pháp kiểm soát vốn sẽ không được áp dụng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra với đồng Rúp, các chuyên gia cho rằng, khả năng Moscow tung biện pháp kiểm soát vốn là hoàn toàn có thể.