08:05 01/05/2021

Biến áp lực từ những chỉ số giảm điểm thành động lực cải thiện môi trường kinh doanh

Anh Nhi

Kết quả Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy sự chuyển động tích cực của nhiều địa phương trong năm 2020...

Chỉ số PCI của Vĩnh Phúc năm 2020 đã tụt 12 bậc, từ vị trí 17 năm 2019 xuống vị trí thứ 29 năm 2020. Đây là vị trí áp chót trong nhóm các tỉnh, thành có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ mức khá trở lên. Báo cáo PCI được VCCI công bố trung tuần tháng 4/2021 đã ghi nhận như vậy.

Vẫn còn băn khoăn về cách tính điểm các chỉ số thành phần trong PCI, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: sự giảm điểm này cần được mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. “Bởi PCI phản ánh mức độ hài lòng của doanh nghiệp về những gì đang diễn ra trong các ngành, lĩnh vực có liên quan tới môi trường kinh doanh cấp địa phương”, ông Thành nêu quan điểm.

ÁP LỰC THĂNG HẠNG

Sự lo lắng của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc là có cơ sở khi nhìn vào PCI năm 2020. Hầu hết các chỉ số thành phần đều giảm điểm, trong đó một số chỉ số giảm điểm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm hơn 1 điểm; Tính minh bạch giảm 0,39 điểm; Chi phí không chính thức giảm 0,36 điểm; Tiếp cận đất đai giảm 0,32 điểm... Vì vậy, tổng điểm của Vĩnh Phúc đã giảm 2,91 điểm từ 66,75 xuống 63,84 điểm.

“Áp lực đặt ra cho Vĩnh Phúc là rất lớn khi phải tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh và vươn lên nhóm các tỉnh có môi trường kinh doanh tốt và rất tốt”, ông Thành khẳng định.

 

“Khi Vĩnh Phúc đi mà các tỉnh khác chạy thì chúng tôi sẽ thụt lùi. Vì vậy, Vĩnh Phúc sẽ phải chạy, thậm chí phải chạy thật nhanh”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho biết những đầu mối được giao phụ trách cải thiện môi trường kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, nguyên tắc “việc không chuyển, người chuyển” sẽ được Vĩnh Phúc áp dụng để tạo áp lực lên toàn bộ hệ thống nói chung cũng như mỗi vị trí cán bộ địa phương nhằm nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 5 năm mà tỉnh đã đưa ra.

Theo ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án của Vina CPK, những cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo Vĩnh Phúc đem đến niềm tin cho nhà đầu tư về những nỗ lực cải thiện môi trường của địa phương trong thời gian tới.

TRĂN TRỞ VỚI PCI

Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, trong buổi làm việc mới đây với Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, cũng trăn trở với sự tụt hạng của chỉ số PCI 2020. “Tại sao thành phố Hồ Chí Minh lại tụt hạng trong khi tất cả chúng ta đều cố gắng. Vấn đề nằm ở chỗ nào?”, ông Phong đặt vấn đề.

Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 8, nằm trong nhóm 10 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó liên tục giảm, đến năm 2019, chỉ số PCI của thành phố đứng thứ 14. Năm 2020, thứ hạng này vẫn không cải thiện, dậm chân ở thứ hạng 14 với tổng điểm là 65,70 và giảm gần 1,5 điểm so với năm 2019. Đáng lo ngại nhất, điểm số về gia nhập thị trường, tính minh mạch của thị trường đều giảm.

Đặc biệt, chỉ số “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” vốn là thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua và luôn đứng tốp đầu của cả nước thì năm 2020 cũng giảm gần 0,9 điểm so với năm 2019. Chỉ số này đánh giá mức độ hiệu quả, hữu ích của các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo, tư vấn, chấp mối kinh doanh, xúc tiến đầu tư.

Như vậy, nếu so với năm 2016 thì thành phố Hồ Chí Minh đã tụt đến 6 hạng vào năm 2020. Trong khi đó, nằm cạnh thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương đều bứt phá mạnh mẽ, bước vào Top 5 các tỉnh có chỉ số cạnh tranh rất tốt.

“Vừa rồi báo cáo với tôi, đơn vị nào cũng xuất sắc. Xuất sắc tại sao tụt hạng?”, ông Phong nêu câu hỏi và cho rằng không thể tự đánh giá chính mình dẫn tới chủ quan mà phải nhìn thẳng vào vấn đề để phân tích những nút thắt, những điểm nghẽn để từ đó đưa ra phương án xử lý, giải quyết hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới, trọng tâm của thành phố là vấn đề phân cấp để các quyết định sẽ nhanh nhạy, kịp thời hơn, rút ngắn được thời gian ở các đơn vị hành chính quận, phường.

“Với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, không thể nói năng lực cạnh tranh đã yếu đi. Thành phố phải có những đột phá bằng cách tạo ra điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, từ trong dân, từ các doanh nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.

THÁO GỠ NÚT THẮT

Không riêng Vĩnh Phúc hay thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh hay cấp quốc gia, chúng ta phải tìm được nút thắt để tháo gỡ nút thắt.

Vì thế, như câu chuyện của Vĩnh Phúc, khi dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm điểm; tính minh bạch giảm điểm, chi phí không chính thức giảm điểm; hay tiếp cận đất đai giảm điểm... thì rõ ràng địa phương phải bắt đầu tháo gỡ từ những nút thắt này.

 

“Nhưng có một điểm quan trọng là các cải cách phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán. Vì nếu chỉ riêng một thủ tục thì doanh nghiệp sẽ không thể cảm nhận được sự thay đổi và các đánh giá cho các quy trình thủ tục của địa phương sẽ không cao”.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Còn theo TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều nỗ lực của các địa phương trong việc chỉ đạo, chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Nhưng vấn đề hiện nay là cần sớm hiện thực hoá những chủ trương này đưa vào cuộc sống.

“Nhiều doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng điều họ cần là những chương trình cải cách thủ tục hành chính phải đi vào cuộc sống. Những cải cách phải được biến thành thực tế chứ địa phương nào cũng tuyên bố chúng tôi đã đơn giản hoá thủ tục, giảm thời gian làm thủ tục nhưng doanh nghiệp chưa cảm nhận được chủ trương đó trong thực tế cuộc sống thì cải cách môi trường kinh doanh vẫn chỉ nằm trên giấy”, ông Tuấn nói.

Vì vậy, đại diện VCCI cho rằng người đứng đầu địa phương cần “áp sát” quá trình triển khai những chủ trương này bởi thực tế vẫn có tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”.

Theo một số chuyên gia kinh tế, thời gian qua, nhiều dự án vướng mắc về thủ tục đất đai bị ách lại, thời gian giải quyết thủ tục kéo dài khiến doanh nghiệp giảm niềm tin. Đây cũng là điểm trừ của Tp.HCM cũng như Vĩnh Phúc vì thời gian triển khai các dự án càng kéo dài thì chi phí của doanh nghiệp càng tăng.

Từ đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng các địa phương nên tập trung tháo gỡ những vướng mắc này cho các doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền phải gắn chặt với doanh nghiệp, tháo gỡ từng nút thắt, từng vấn đề cho doanh nghiệp. “Trong trường hợp có một số quy định chồng chéo thì người đứng đầu cần tìm cách tháo gỡ để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng nhất”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu rõ.

 

 Các địa phương nên tập trung tháo gỡ những vướng mắc này cho các doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền phải gắn chặt với doanh nghiệp, tháo gỡ từng nút thắt, từng vấn đề cho doanh nghiệp.