12:44 21/09/2023

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến doanh thu du lịch như thế nào?

Tường Bách

Đóng góp gần 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần hàng triệu người trên thế giới, nhưng ngành du lịch và lữ hành đang phải đối mặt với vô số thách thức đến từ biến đổi khí hậu…

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Các nền kinh tế nhỏ có thể phải vật lộn để đối phó với nhu cầu làm mát ngày càng tăng khi khách du lịch tìm cách trốn khỏi mức nhiệt độ nóng như thiêu như đốt. Nhu cầu ngày càng cao đối với các dịch vụ có gắn điều hòa cũng có khả năng khiến mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, tạo áp lực cho lưới điện địa phương và tăng lượng phát thải. Tháng trước, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) đã có báo cáo về sự sụt giảm mức độ phổ biến của các điểm đến ở Địa Trung Hải ở mức 10% so với năm ngoái.

Bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu song sóng nhiệt biển và axit hóa đại dương là những thách thức lớn đối với ngành du lịch ven biển. Cường độ và tần suất sóng nhiệt biển tăng lên có khả năng khiến các rạn san hô trải qua những thay đổi không thể đảo ngược và tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan ven biển. Những khu nghỉ mát ven biển đẹp hút hồn, thu hút nhiều khách du lịch nổi tiếng có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao.

Không chỉ dừng ở mức độ nguy cơ, nhiều thảm họa thiên tai liên tiếp diễn ra gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu du lịch của nhiều quốc gia. Theo SCMP, ngành du lịch tại các điểm đến này chịu tác động nghiêm trọng, khách sạn, nhà hàng hư hại, công ty lữ hành đóng cửa, người dân địa phương mất việc. Chẳng hạn, trải qua trận động đất lịch sử, ngành du lịch Morocco phải đối diện nhiều khó khăn do phần lớn cơ sở hạ tầng và cảnh quan đã bị tàn phá sau động đất. 

Trận động đất đã làm hư hại đáng kể thành phố cổ Marrakesh - địa danh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. 
Trận động đất đã làm hư hại đáng kể thành phố cổ Marrakesh - địa danh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. 

Ngôi làng nhỏ Ouirgane của Morocco, cách thành phố Marrakech khoảng 65km về phía nam, được biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy nhiên, giờ đây các hoạt động du lịch tại Ouirgane đã phải gián đoạn. Giới quan sát nhận định, đây là một khó khăn lớn đối với tiềm năng phát triển kinh tế du lịch ở nhiều địa phương của Morocco, đặc biệt là các vùng tham quan ở khu vực dãy núi High Atlas, nơi bị ảnh hưởng mạnh của cơn địa chấn.

Vài tiếng sau động đất, ông Eric Falt, Giám đốc khu vực của UNESCO, đã dẫn đầu nhóm chuyên gia UNESCO tới khu trung tâm đánh giá thiệt hại. "Thiệt hại lớn hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến", ông nói. "Có nhiều vết nứt lớn trên tháp Koutoubia. Tháp của nhà thờ Hồi giáo Kharbouch bị phá hủy gần hết". Ông Falt cho hay quận bị ảnh hưởng nặng nhất là Mellah, nơi nhiều nhà cổ bị phá hủy trên diện rộng. Những ngôi nhà một tầng xây bằng đá từng tạo ra khung cảnh thơ mộng dưới ánh mặt trời giờ chỉ còn là đống đổ nát. Các thanh sắt thép và giàn giáo ngổn ngang được dùng để đỡ những bức tường.

Theo dữ liệu từ Bộ Du lịch Morocco, khoảng 6,5 triệu du khách đến nước này trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu đến từ Tây Âu và Mỹ, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Và Marrakesh là "nam châm" thu hút du khách chính của Morocco, với hơn 4,3 triệu du khách. Các chuyên gia lo sợ rằng nỗi sợ hãi về các cơn dư chấn có thể sẽ kéo dài trong vài tuần, còn những thách thức để khu vực này phục hồi sẽ phải tính bằng nhiều năm. Ông Rachid Aourraz, nhà kinh tế tại Viện Trung Đông, cho biết: Nền kinh tế ở những khu vực bị động đất đã "sụp đổ" hoàn toàn.

Đám cháy rừng mới đây gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch Maui nói riêng và quần đảo Hawaii nói chung.
Đám cháy rừng mới đây gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch Maui nói riêng và quần đảo Hawaii nói chung.

Hồi tháng 7, trong mùa cao điểm du lịch, gió mạnh quét qua vùng khô cằn ở đảo Rhodes (Hy Lạp) khiến lửa bùng phát, gây nên trận hỏa hoạn kéo dài hàng tuần. Người dân và khách du lịch phải lánh nạn trong trường học và nơi trú ẩn khác khi ngọn lửa đe dọa các khu nghỉ dưỡng, làng mạc ven biển. Truyền thông thế giới mô tả cuộc tháo chạy khỏi Rhodes là "lớn nhất lịch sử Hy Lạp" khi gần 19.000 người đã được sơ tán khỏi đảo từ 22/7 theo đường biển.

Tương tự, thị trấn Lahaina phía tây đảo Maui, nơi người dân từng sống bằng nghề săn cá voi, là một trong những điểm nghỉ mát nổi tiếng nhất quần đảo Hawaii. Tháng 8 vừa qua, một trận cháy rừng tàn khốc đã quét qua đảo Maui. Theo Reuters, ít nhất 185 người thiệt mạng. 2.200 tòa nhà bị hư hại hoặc phá hủy, thiệt hại ước tính gần 6 tỷ USD.

Các chuyên gia du lịch e ngại đám cháy gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch Maui nói riêng và quần đảo Hawaii nói chung. Sau khi đám cháy được kiểm soát, chính quyền địa phương kêu gọi khách du lịch tạm thời không nên đến Maui để nhường chỗ ở cho người địa phương. 1.000 phòng khách sạn được dành cho những người sơ tán và làm nhiệm vụ.

Trước đó, hồi tháng 4, một trận tuyết lở ở bang Sikkim, một trong những vùng du lịch đẹp nhất Ấn Độ, khiến 7 du khách thiệt mạng và 17 người bị thương. Nhóm khách bị tuyết chôn vùi khi đang đi dọc Nathu La, một con đèo thuộc dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ và cường độ những trận lở tuyết ở Sikkim, bang biên giới đông bắc Ấn Độ. Phá rừng là một nguyên nhân khác, khi cây cối bị đốn hạ, khiến kết cầu đất trở nên lỏng lẻo, không ổn định.

Mới đây nhất, một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Pháp đã phải đóng cửa dù mùa đông đang đến rất gần, chỉ vì lượng tuyết rơi không đủ. Theo Đài CNN, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở thị trấn La Sambuy của Pháp thông báo họ đã dỡ bỏ toàn bộ cáp treo. Lý do là không đủ tuyết để duy trì hoạt động. Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến thời gian tuyết rơi trong mùa đông tại đây ngắn lại, chỉ còn vài tuần. Tuyết ít nên thị trấn buộc phải dừng các dịch vụ liên quan. "Cám ơn mọi người vì những năm tháng tuyệt vời trước đây", thị trưởng La Sambuy nói.

Châu Âu không có tuyết khiến nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết phải đóng cửa.
Châu Âu không có tuyết khiến nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết phải đóng cửa.

La Sambuy không phải là khu nghỉ dưỡng trượt tuyết duy nhất ở Pháp đối mặt với khủng hoảng. Năm ngoái, Saint-Firmin, một địa điểm trượt tuyết nhỏ khác ở dãy Alps, đã dỡ bỏ cáp treo dành cho khách trượt tuyết khi mùa đông ở đây ngắn lại, ít tuyết hơn những năm trước. Trong một báo cáo được tạp chí khoa học Nature Climate Change công bố hồi tháng 8, 53% trong số hơn 2.200 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu được khảo sát có khả năng "gặp phải rủi ro vì thiếu tuyết cao" khi nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng thêm 2 độ C so với trước đây.

Bên cạnh đó, trên phạm vi toàn cầu, việc nhiệt độ tăng lên cũng sẽ tác động đáng kể đến các tiểu ngành du lịch khác như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; du lịch trekking, du lịch cộng đồng… Biến đổi khí hậu cũng gây nên vấn nạn dịch bệnh đặc biệt các quốc gia kém phát triển phụ thuộc nhiều vào du lịch đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm cả tình trạng bất ổn xã hội khi lượng khách du lịch giảm đi do tác động của khí hậu nóng lên.