10:21 18/05/2022

Biến thể phụ Omicron BA.2 tại Triều Tiên có nguy cơ tạo ra biến thể mới?

Hoài Phương

Các quan chức của WHO hiện lo ngại đợt bùng phát dịch tại những khu vực người dân chưa được tiêm phòng Covid-19 như Triều Tiên có thể sẽ tạo ra các biến chủng nCoV nguy hiểm hơn…

Hãng Reuters ngày 17/5 dẫn lời Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Michael Ryan, cho rằng mức độ lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 ở những người chưa được tiêm chủng, như tại CHDCND Triều Tiên sẽ gây nguy cơ cao xuất hiện biến thể mới. Cũng tại buổi họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng ông “lo ngại sâu sắc” về tình trạng Covid-19 lây lan ở những người chưa tiêm vaccine và có nhiều bệnh nền.

"Tình hình đáng lo ngại nếu các quốc gia không sử dụng những công cụ hiện có để đối phó với Covid-19. WHO đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm tại các vùng dịch bệnh chưa được kiểm soát," Mike Ryan, Giám đốc phụ trách trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết ngày 17/5. Theo ông Ryan, WHO sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không có quyền can thiệp vào công tác chống dịch của một quốc gia có chủ quyền.

Trước đó, vào ngày 11/5, Triều Tiên lần đầu thông báo 2 ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron. Ngay sau đó, nước này đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên sau 2 năm. Đến nay, nước này báo cáo 56 ca tử vong và gần 1,5 triệu ca có triệu chứng sốt.

Theo các chuyên gia, biến thể phụ BA.2 dù không nghiêm trọng như các chủng virus trước đó, song lại có tốc độ lây lan nhanh và khả năng chống lại các kháng thể. Trong khi đó, Triều Tiên đã không tiếp nhận các liều vaccine do quốc tế đề nghị hỗ trợ trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo tờ Scientific American, BA.2 có nhiều điểm tương đồng về di truyền với BA.1, nhưng dễ lây lan hơn so với BA.1 từ 30 - 50%. Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế tại Nhà Trắng, cho rằng biến thể phụ có BA.2 khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 50 - 60%, nhưng không gây bệnh nặng hơn.

Các chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ thành tâm điểm của các biến chủng mới do khả năng miễn dịch thấp của người dân với virus. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm tăng sau khi nước này tổ chức các sự kiện lớn hồi tháng 4, bao gồm kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên - nơi những người tham dự không đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại Đại học Massachusetts (Mỹ), nói dù BA.2 có thể không có tác động nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng cần phải ngăn chặn đà lây lan của nó. Bởi "càng có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, càng làm tăng nguy cơ virus có các đặc tính mới và tạo ra biến thể mới," ông Luban giải thích.

Ngày 11/5, Triều Tiên lần đầu thông báo 2 ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron.
Ngày 11/5, Triều Tiên lần đầu thông báo 2 ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron.

Hiện truyền thông nhà nước Triều Tiên khuyến khích người dân sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen và các loại kháng sinh, để điều trị Covid-19. Người dân cũng được khuyến nghị súc họng bằng nước muối hoặc trà kim ngân, trà lá liễu ba lần mỗi ngày.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm 17/5 cũng đã đăng một số bài báo về các thói quen giúp kháng virus và việc ứng phó với đại dịch của các quốc gia khác. Đặc biệt, tờ báo đề cập đến vaccine và thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer, song không đề cập việc chúng có xuất xứ từ Mỹ. Ngoài ra, bài báo nhấn mạnh những loại thuốc như vậy sẽ tốn kém và có thể mang đến hiệu quả thấp trước các biến chủng mới và cho rằng, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ sẽ vẫn cần thiết.

Trước đó, Bình Nhưỡng từng từ chối gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lệnh phong tỏa tất cả các thành phố trên cả nước vì phát hiện ca nhiễm Covid trong cộng đồng, phía Hàn Quốc cũng công khai đề nghị gửi vaccine, thuốc men và nhân viên y tế, nhưng Triều Tiên cho đến nay đã phớt lờ đề xuất này trong bối cảnh căng thẳng của mối quan hệ song phương.

Giới chuyên gia cho biết sự trợ giúp thực tế duy nhất của cộng đồng quốc tế lúc này là cung cấp vaccine để giảm tử vong ở các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm cả người già và những người có bệnh nền, vì đã quá muộn để ngăn chặn sự lây lan rộng rãi của virus đối với người dân Triều Tiên. Nhiều quốc gia cũng đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên vượt qua đợt bùng dịch sau khi nước này báo cáo những ca mắc đầu tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ “nước láng giềng và người bạn” Triều Tiên chống lại đại dịch Covid-19. Điện Kremlin cũng cho biết sẽ nhanh chóng xử lý đề nghị hỗ trợ vaccine Covid-19 nếu Bình Nhưỡng yêu cầu... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng ở Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ Bộ Y tế nước này, theo UN News. WHO vẫn cam kết làm việc với các cơ quan của Triều Tiên bằng cách cung cấp thông tin cần thiết về vaccine thông qua COVAX.

Hiện tại, hầu như không có nơi nào trên thế giới có thể đứng ngoài sự ảnh hưởng của Covid-19. Các ca nhiễm đã được ghi nhận tại trại leo núi ở Everest và Nam Cực. Cách ứng phó trước đại dịch ở từng quốc gia thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng, thế nhưng nhìn chung mấu chốt vẫn nằm ở chương trình tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly xã hội và hạn chế đi lại.