13:26 20/04/2022

Gia tăng bệnh lý tim mạch hậu Covid-19

Hoài Phương

Bước sang năm Covid-19 thứ 3, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu thêm các tác động của virus với cơ thể. Không chỉ dừng lại ở phổi, SARS-CoV-2 còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan...

Theo báo cáo mới đây trên tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ, qua nghiên cứu hồ sơ của 138 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm Covid-19 cho biết gần 17% người bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% bị tổn thương tim cấp tính, bao gồm: ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim. Đặc biệt có khoảng 70% người bệnh tim mạch bị tổn thương cơ tim do virus SARS-CoV-2 đã tử vong. Điều đó cho thấy tác động của Covid-19 lên người bệnh tim và rối loạn nhịp tim nguy hiểm như thế nào.

Theo các chuyên gia Y tế, những biến chứng trên xảy ra có thể do virus SARS-CoV-2 ức chế hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Từ đó làm giảm nồng độ oxy trong máu và gây rối loạn nhịp tim. Sự xuất hiện của virus “lạ” trong cơ thể cũng kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, kích hoạt hoạt động của thần kinh tự chủ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.

Không phải vì những người bị rối loạn nhịp tim hay đang mắc bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ mắc SARS-CoV-2 cao hơn những người khác, mà họ là những người dễ bị tổn thương nhất, khi cùng lúc phải gồng mình do nhịp tim bất ổn, nay lại thêm stress vì lo nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các thông tin về số người bị bệnh và tử vong trên toàn cầu tăng lên nhanh chóng khiến cho cả thế giới hoảng sợ, người bệnh rối loạn nhịp tim càng thêm bất an. Hậu quả là tim đập nhanh hơn, hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi tăng theo.

Với người bình thường, hệ thống miễn dịch không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất, trong khi chúng liên tục bị kích hoạt bởi tác động của nỗi lo lắng, căng thẳng, sợ hãi. Thay đổi lối sống, uống nhiều rượu hơn và các rào cản trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cũng góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người dân toàn cầu, dẫn tới tình trạng tổn thương tim mạch gia tăng hậu Covid-19.

40% người Mỹ đã trải qua ít nhất một vấn đề liên quan đến tim kể từ khi bắt đầu đại dịch xuất hiện.
40% người Mỹ đã trải qua ít nhất một vấn đề liên quan đến tim kể từ khi bắt đầu đại dịch xuất hiện.

Theo Cnet, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và sau hai năm đại dịch, tình trạng này đang tăng cao. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh tim và đột quỵ từ năm 2019 đến 2020 ở Mỹ tăng nhanh. Mức tăng cao nhất ở người Mỹ da màu, gấp 5 lần nhóm da trắng. Con số này cũng phản ánh tình trạng chung trên toàn thế giới.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Cleveland Clinic, 40% người Mỹ đã trải qua ít nhất một vấn đề liên quan đến tim kể từ khi bắt đầu đại dịch xuất hiện, bao gồm khó thở hoặc tăng huyết áp. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng hormone cortisol. Theo thời gian, hormone này tích tụ và gây tăng cholesterol, lượng đường trong máu huyết áp và chất béo. Tất cả yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Theo tiến sĩ Amy Pollak, chuyên gia về tim mạch tại Mayo Clinic: “Đã có những thay đổi đáng kể ở hầu hết bệnh nhân của tôi liên quan chế độ tập luyện, ăn uống trong hai năm qua. Điều đó có thể ảnh hưởng huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol, cũng như những thay đổi về sức khỏe, mức độ căng thẳng”.

Mất kết nối với xã hội, giãn cách quá lâu khiến chúng ta mệt mỏi, ăn quá nhiều, lười vận động và không dùng thuốc đúng chỉ định. Những người phải giãn cách, ở trong nhà, không được vận động có nguy cơ tăng mắc bệnh động mạch vành. Hệ lụy này với người lớn tuổi càng thêm nặng nề. Một nghiên cứu về bệnh tim, cách ly xã hội và sự cô đơn cho thấy phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 27%.

Sự xuất hiện của virus “lạ” trong cơ thể kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
Sự xuất hiện của virus “lạ” trong cơ thể kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.

Trong khi đó, những trường hợp viêm cơ tim cấp tính do Covid-19 đa số liên quan đến bệnh nền, đặc biệt là những người bị viêm phổi. Viêm cơ tim là tình trạng hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm, có thể gây suy tim và khiến tim khó bơm máu.

"Một nghiên cứu nhỏ trước đây chỉ ra viêm cơ tim cấp tính hiếm khi xảy ra ở những người mắc Covid-19. Hiện, chúng tôi tiếp tục phân tích dữ liệu nhằm cung cấp thông tin sâu hơn về sự xuất hiện của viêm cơ tim cấp tính khi bệnh nhân nhập viện vì Covid-19", Enrico Ammirati, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm tim mạch De Gasperis và Trung tâm cấy ghép tại Bệnh viện Niguarda ở Milan, Italy, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu mang tính quốc tế trên đã kiểm tra dữ liệu sức khỏe của gần 57.000 F0 nhập viện từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021 tại Mỹ và châu Âu. Trong số đó, 54 người nhập viện vì Covid-19 được xác định bị viêm cơ tim cấp tính, dựa trên kết quả sinh thiết cơ tim và chụp cộng hưởng từ. Hầu hết họ thuộc nhóm 38 tuổi và 61% là nam giới. Tất cả trường hợp đều chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Nghiên cứu của ông Enrico Ammirati cùng các cộng sự cho thấy, viêm cơ tim cấp tính xảy ra thường xuyên hơn ở 57,4% người bị viêm phổi và 32% ở những người có lưu lượng máu bất thường. Những người mắc Covid-19 bị bệnh nền viêm cơ tim và viêm phổi liên quan có tỷ lệ tử vong đến 15,1%.

"Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh nhân nhập viện do viêm cơ tim cấp liên quan đến Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt hơn, chiếm đến 70,5% các trường hợp F0 nhập viện", Giáo sư tim mạch Marco Metra tại Đại học Brescia ở Brescia, Italy, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.