10:51 26/01/2022

Bình Dương buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất đối với trường hợp vi phạm

Mộc Minh

Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất được quy định đối với từng loại vi phạm…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 02 quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Việc xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được thực hiện căn cứ vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình, bản đồ thổ nhưỡng; văn bản thanh tra, kiểm tra hoặc văn bản pháp lý khác được thành lập, ban hành trước thời điểm vi phạm pháp luật về đất đai có thể hiện tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất được quy định đối với từng loại vi phạm.

Cụ thể, đối với đất trồng lúa đã chuyển sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng: Buộc di dời các loại cây lâu năm, cây rừng đưa ra khỏi thửa đất; San lấp khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu (hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề) để đảm bảo trồng lúa đúng theo mục đích sử dụng đất.

Nếu chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản: Buộc di dời đưa khỏi đất các loại thủy sản, thiết bị phục vụ nuôi thủy sản và san lấp ao, hồ, đầm, mương nước, khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu (hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề), cải tạo để đảm bảo trồng lúa đúng theo mục đích sử dụng đất.

Nếu chuyển sang đất phi nông nghiệp (khu vực đô thị và nông thôn): Đối với các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 01/7/2014, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm và buộc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 01/7/2014, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày 01/7/2014 thì buộc tháo dỡ, di dời đưa khỏi đất các công trình đã xây dựng trên đất (nếu có), san lấp khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu (hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề), buộc cải tạo lại đất để đảm bảo việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất.

Đối với đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất: Nếu chuyển sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì buộc tháo dỡ di dời ra khỏi thửa đất các công trình phục vụ trong sản xuất nông nghiệp (nếu có), san lấp ao, hồ, mương nước do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để đảm bảo trồng rừng đúng theo mục đích sử dụng đất.

Nếu chuyển sang đất phi nông nghiệp: Buộc tháo dỡ di dời ra khỏi thửa đất các công trình xây dựng (nếu có), san lấp mặt bằng để đảm bảo trồng rừng đúng theo mục đích sử dụng đất…

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp: Nếu chuyển sang đất không phải là đất ở, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở (tại khu vực đô thị và nông thôn), tại các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 01/7/2014, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cho phép giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm và buộc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

Các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 01/7/2014, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày 01/7/2014 thì buộc tháo dỡ công trình xây dựng (nếu có) và buộc cải tạo mặt bằng để đảm bảo việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất…

Ngoài ra, quyết định này cũng xử lý đối với hành vi vi phạm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sẽ buộc di dời đưa ra khỏi thửa đất các loại cây trồng, tháo dỡ di dời các công trình phục vụ cho việc tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa do thực hiện vi phạm hành chính, cải tạo, san lấp mặt bằng như ban đầu (hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề) để đảm bảo việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất.

Đối với hành vi vi phạm lấn, chiếm đất: Buộc đưa ra khỏi đất cây trồng, hoa màu, vật nuôi, thủy sản hoặc tháo dỡ, di dời công trình, tài sản trên đất … và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

Đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất: Buộc khôi phục lại địa hình (bồi đắp bề mặt đất tương đối đồng đều với bề mặt đất của các thửa đất liền kề; buộc khơi thông lại kênh, mương tưới, tiêu nước ….) hoặc xử lý ô nhiễm đất, cải tạo đất làm tăng khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Đối với hành vi vi phạm gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác: Buộc đưa vật liệu xây dựng, các vật khác khỏi thửa đất của mình hoặc của người khác; xử lý môi trường hoặc đưa các chất thải, chất độc hại khỏi thửa đất của mình hoặc của người khác; buộc san lấp, tháo dỡ tường rào, hàng rào trên thửa đất gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác…

Quyết định này của UBND tỉnh Bình Dương dựa trên căn cứ Nghị định số 91(ngày 19/11/2019) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

 

05 mức phạt về vi phạm đất đai

Theo Nghị định 91, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, gồm:

Lấn, chiếm đất đai: Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây).

Tự chuyển đất trồng lúa sang đất ở: Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức (tăng 10 lần mức phạt so với trước đây).

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có sổ đỏ: Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức (tăng 04 lần mức phạt so với trước đây).

Không sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Phạt đến 05 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức (tăng 02 lần mức phạt so với trước đây).

Bỏ hoang đất: Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mức phạt tiền tối đa chỉ đến 01 tỷ đồng của Nghị định 91 chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục để cấp “sổ đỏ” cho khách hàng.