07:00 30/11/2023

Bình Thuận: "Vướng" tiền sử dụng đất làm khốn khổ người dân

Ban Mai

Theo báo cáo kiến nghị của cử tri TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do chưa xác định được giá tiền sử dụng đất...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, các hộ dân nằm trong diện giải tỏa Cảng vận tải đã có quyết định giao đất tái định cư từ năm 2013, nhưng lại được thông báo trả tiền theo giá đất hiện nay, nên người dân không có khả năng. Kiến nghị đã kéo dài 5 năm.

Bên cạnh đó, trường hợp của 19 hộ Khu dân cư Me Đôi đã thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, một số hộ dân đã đóng tiền lệ phí trước bạ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đề án 920, đã qua nhiều năm và kiến nghị nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri, kiến nghị trực tiếp lãnh đạo UBND phường Mũi Né, (TP. Phan Thiết), nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Hay trường hợp của nhiều hộ dân phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) cũng đề nghị các cấp quan tâm xem xét việc nợ tiền sử dụng đất. Theo cử tri, khi được di dời đến các khu tái định cư, họ có nợ tiền sử dụng đất, đến nay số tiền đóng quá lớn, vượt quá khả năng của người dân.

Theo UBND TP.Phan Thiết, nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số khu vực là do hiện nay còn vướng mắc chính sách thu tiền sử dụng đất…

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hơn 1.000 trường hợp nợ tiền sử dụng đất, vụ việc này TP. Phan Thiết đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Trung ương.

Trước thực trạng này, Văn phòng tỉnh ủy Bình Thuận vừa có thông báo kết luận của Thường trực tỉnh ủy về xử lý các trường hợp người dân được nhà nước giao đất ở, đất tái định cư nhưng chưa hoàn tất thủ tục.

Theo đó, thời gian trước đây, trong quá trình triển khai các dự án, công trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã được nhà nước thu hồi đất, bố trí đất ở, có thông báo vị trí đất hoặc có biên bản cắm mốc, giao đất tại thực địa.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Nhiều người dân sau khi nhận đất ở đã xây dựng nhà ở ổn định nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất.

Một số trường hợp người dân được Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, đã nhận đất tại thực địa, xây nhà ở ổn định nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn còn nợ tiền sử dụng đất.

Rất nhiều trường hợp không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, không được cấp giấy chứng nhận nên các quyền của người sử dụng đất bị hạn chế (chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng...).

Nhiều trường hợp người dân không thực hiện được thủ tục xây dựng, sửa chữa,... làm phát sinh bức xúc, phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, Thường trực tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần tập trung giải quyết có kết quả, không để kéo dài.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc kê khai, thống kê đầy đủ theo từng nhóm các trường hợp được nhà nước thu hồi đất, giao đất ở, đất tái định cư… nhưng chưa hoàn tất các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật để có phương án giải quyết cụ thể.

Những vấn đề không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tổng hợp, đề xuất chính phủ, các bộ, ngành trung ương cho chủ trương giải quyết. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh thành lập Tổ theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

Đối với những trường hợp đã đủ điều kiện thì sớm cấp giấy chứng nhận cho người dân, hoàn thành trong quý 1/2024, không để kéo dài.

Thường trực tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu cần chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua từng thời kỳ, từng giai đoạn xảy ra thiếu sót nêu trên…