17:59 24/08/2023

Yêu cầu xử lý triệt để tình trạng ngập nước trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Xuân Nghi

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại dự án này, cũng như các dự án khác…

Mưa lớn kéo dài gây "ngập lụt" sâu cả mét, tại đoạn tuyến Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, gây kẹt xe và xe chết máy kéo dài từ đêm 29 đến ngày 30/7/2023.
Mưa lớn kéo dài gây "ngập lụt" sâu cả mét, tại đoạn tuyến Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, gây kẹt xe và xe chết máy kéo dài từ đêm 29 đến ngày 30/7/2023.

Công văn số 6483/VPCP-CN ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tình trạng ngập cục bộ tại đoạn Km25+369 - Km25+469 cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hồi cuối tháng 7 vừa qua, đã nêu rõ yêu cầu đối với Bộ Giao thông vận tải như vậy.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do Bộ làm chủ quản đầu tư, cũng như bảo đảm vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.

Các yêu cầu được đưa ra qua xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải trước đó về tình trạng ngập cục bộ tại đoạn tuyến Km25+369 - Km25+469 thuộc dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông.

Trước đó, ngày 10/8/2023, sau khi công bố kết quả kiểm tra ban đầu vụ mưa gây ngập nước trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo này, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, bên cạnh những chỉ đạo ban đầu để xử lý sự cố, khẩn trương đưa tuyến vào lưu thông bình thường, Bộ Giao thông vận tải đã cử đoàn công tác bao gồm các chuyên gia thủy văn có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá chi tiết điều kiện địa hình, thủy văn thượng lưu và hạ lưu khu vực ngập, rà soát hồ sơ thiết kế.

Trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và thực tế rà soát của đoàn kiểm tra Bộ Giao thông vận tải, cho thấy quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Để xác định mực nước thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện điều tra khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống là 43,14 m và tính toán khẩu độ cống.

Kết quả rà soát lại lưu vực và các thông số đầu vào còn cho thấy, vị trí cống Km 25+419 được thiết kế với khẩu độ 2,5 x 2,5 m là đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu cao tốc theo các số liệu thu thập được. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng nói rõ, “Tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m. Đây là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ”.

Công văn của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang yêu cầu các chủ đầu tư tổng rà soát lại hồ sơ thiết kế đối với các dự án đang thi công, đặc biệt là các dự án triển khai tại những khu vực có yếu tố địa chất, thủy văn phức tạp để kịp thời điều chỉnh (nếu cần), bảo đảm chất lượng bền vững của công trình.

Bộ này cũng cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các chủ thể liên quan nếu để xảy ra các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Trước đó, chiều và đêm 29/7/2023, sau trận mưa kéo dài nhiều giờ liền, một sự cố ngập nặng trên một đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, kéo dài cả trăm mét, đã gây tắc nghẽn giao thông. Tình trạng kẹt xe và xe chết máy hàng loạt đã kéo dài đến trưa hôm sau 30/7 ở cả hai hướng bắc và nam.

Khu vực ngập úng nặng, có đoạn ngập sâu cả mét, xảy ra tại Km 25+419 cách nút giao quốc lộ 55 khoảng 2 km trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua địa bàn xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại dự án này, cũng như các dự án khác.