15:57 22/09/2023

Chấm dứt hợp đồng trước hạn, sân bay Phan Thiết được chỉ định nhà đầu tư BOT

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư rà soát để chấm dứt hợp đồng trước hạn với dự án BOT sân bay Phan Thiết, không để phát sinh các vấn đề liên quan. Do dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, việc chỉ định nhà đầu tư mới thay thế là có cơ sở...

Dự án sân bay Phan Thiết điều chỉnh quy hoạch lên cấp 4E làm thay đổi quy mô đầu tư và tăng tổng mức đầu tư trên 10%.
Dự án sân bay Phan Thiết điều chỉnh quy hoạch lên cấp 4E làm thay đổi quy mô đầu tư và tăng tổng mức đầu tư trên 10%.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 10321/BGTVT-CQLXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận chấm dứt hợp đồng BOT và xin chủ trương chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

RÀ SOÁT THỰC TẾ, HỢP ĐỒNG ĐỂ CHẤM DỨT TRƯỚC HẠN

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được Văn bản số 7133/BKHĐT-QLĐT ngày 30/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận chấm dứt hợp đồng BOT và xin chủ trương chỉ định trực tiếp nhà đầu tư thay thế thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Dự án Cảng hàng không Phan Thiết khởi công từ cách đây hơn 8 năm, được đầu tư theo hình thức BOT. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 1925/QĐ-BGTVT ngày 29/8/2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Theo đó, Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hiện nay, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và lấy ý kiến các bộ, ngành về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

"Do dự án điều chỉnh làm thay đổi quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư so với dự án đầu tư được duyệt và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ có các thông báo, trong đó, yêu cầu cần xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy mô mới và theo quy định hiện hành", công văn của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư rà soát tình hình thực tế triển khai dự án, điều khoản của hợp đồng và các bên thống nhất ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của hợp đồng.

Vì vậy, "trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận để đảm bảo việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án theo quy định, UBND tỉnh Bình Thuận rà soát cơ sở pháp lý, căn cứ quy định của hợp đồng, Luật PPP, Nghị định hướng dẫn và pháp luật có liên quan để giải quyết đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục, quyền, nghĩa vụ các bên để không làm phát sinh các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Về thẩm quyền chấm dứt hợp đồng BOT dự án, Bộ Giao thông vận tải dẫn chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 89 Luật PPP. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định chấm dứt, đình chỉ hợp đồng dự án PPP đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

“Do dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng nên UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng đối với dự án là phù hợp”, Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

CƠ SỞ NÀO ĐỂ CHỈ ĐỊNH NHÀ ĐẦU TƯ?

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, Cảng hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự), hạng mục hàng không quân sự đang được Bộ Quốc phòng đầu tư và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.

Theo đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (từ cấp 4C lên 4E) theo quy hoạch, nếu tổ chức các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định thì sớm nhất đến tháng 8/2024 mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư thay thế để triển khai dự án và dự kiến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng.

Như vậy, sẽ không đảm bảo khai thác, vận hành đồng bộ giữa các hạng mục quân sự và dân dụng; ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự.

 

“Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 39, Luật PPP (đối với dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước) báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là có cơ sở”, Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, theo khoản 1, Điều 11, Luật PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án.

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là một nội dung trong quyết định phê duyệt dự án PPP (khoản 6, Điều 23, Luật PPP).

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư (Điều 37, 38, 39, 40 Luật PPP) bao gồm 04 hình thức: đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trong đó việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp: (i) dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước hoặc (ii) dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.

Do đó, "trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư của dự án theo quy định", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH NĂM 2024, ĐÁP ỨNG NHU CẦU VẬN TẢI

Về tác động của đề xuất đối với quy hoạch phát triển cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, nhu cầu vận tải hàng không khu vực tỉnh Bình Thuận chủ yếu được đáp ứng thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hoặc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Do đó, việc sớm đầu tư, đưa vào khai thác Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đó, tại Công văn số 2854/UBND – ĐTQH, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án BOT đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông để lựa chọn nhà đầu tư thay thế nhằm sớm triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng, đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Bình Thuận được chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ chủ trương đầu tư dự án điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, thực hiện các trình tự thủ tục chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, khai thác sân bay để triển khai thực hiện dự án theo quy định, quyết tâm phấn đấu hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng trong quý 4/2024.