14:03 21/12/2023

Bộ Công Thương phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công và thương

Vũ Khuê

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu: "Ngành Công Thương cần phải đổi mới từ tư duy, quan điểm, đổi mới trong chính sách. Nếu chúng ta không đổi mới thì không bao giờ có thể đạt được sự đổi mới ngành công nghiệp, tiếp cận với công nghệ cao"...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theo sản xuất công nghiệp khó khăn.

Tuy nhiên, ngành công thương đã nỗ lực từng bước vượt qua thách thức, đạt những kết quả tương đối khả quan. Trong đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Với việc tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (tăng 8-9%)…

CÒN NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Lãnh đạo Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý 3 trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bộ Công Thương phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công và thương - Ảnh 1

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).

Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập đã có sự chủ động, đổi mới phương thức thực hiện song vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.

Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính tuy đã được quan tâm nhưng chuyển biến còn chậm. Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mức bình quân chung cả nước (dự kiến đến hết tháng 12/2023, giải ngân đạt: 368,338 tỷ đồng, bằng 42,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Do đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

CẦN ĐỔI MỚI TƯ DUY, QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, ngành công thương tiên phong đi đầu với hai trụ cột (là công nghiệp và thương mại) để đổi mới và phát triển đất nước. Những công việc của ngành công thương đã triển khai trong năm 2023 mang tính cách mạng, đổi mới và thử thách.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thẳng thắn nhận diện những khó khăn thác thức, những tồn tại, bất cập để xác định giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ Công Thương phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công và thương - Ảnh 2

Trước hết là về thể chế, ngành Công Thương cần phải đổi mới, đổi mới từ tư duy, đổi mới từ quan điểm, đổi mới trong chính sách.

“Nếu chúng ta không đổi mới thì không bao giờ có thể đạt được sự đổi mới ngành công nghiệp, tiếp cận với công nghệ cao. Nếu chất lượng cũng như chính sách không đổi mới chúng ta không thể dẫn dắt kinh tế tuần hoàn và ngành Năng lượng từ nâu sang xanh. Và nếu không đổi mới, sẽ không thể nào tận dụng được xu thế hội nhập”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp không để xảy ra những vấn đề như thiếu nguyên - nhiên - vật liệu, trong đó có xăng dầu, khí đốt, điện năng, hay các nguồn năng lượng sơ cấp và tự động trên cơ sở xem xét đánh giá những nguyên nhân nào là khách quan, chủ quan.

Hơn nữa, theo Phó Thủ tướng, ngành công nghiệp hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn như trong Nghị quyết 29 đã nêu, như: lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, năng lượng xanh... rõ ràng chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Xuất khẩu hiện nay cũng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Quan trọng nhất là ngành công thương phải xác định được những tiêu chí, điều kiện để lựa chọn lĩnh vực công nghiệp và các nguồn FDI. Đây là nhiệm vụ của Bộ kế hoạch và Đầu tư nhưng am hiểu về mặt kĩ thuật, công nghệ là ngành Công thương. Do đó, cần tăng cường phối hợp để tham mưu, tư vấn lựa chọn đúng, vừa tận dụng được cơ hội phát triển, vừa hạn chế những tác động không tốt.

Phó Thủ tướng nhận định trong bối cảnh năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn, tinh vi hơn, thay cho các vấn đề thuế quan thì đi vào các mục tiêu toàn cầu, biện pháp kỹ thuật, nếu chúng ta không chủ động được thì không thể đi theo xu thế lớn của thời đại và sẽ bị đứng ngoài.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công và thương. Hoàn thành tốt sứ mệnh, tạo ra được những chiến lược khởi tạo, kiến tạo quan trọng cho đất nước, cho nền kinh tế đổi mới hội nhập, tự lực, tự cường.