10:40 13/08/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mức thu học phí đại học chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo

Đỗ Mến

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình học phí của các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 làm cho quỹ tiền lương của các đơn vị hàng năm tăng cao...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo cho thấy năm 2022, Bộ Giáo dục Đào tạo đã giao tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập tại Quyết định số 3124/QĐ-BGDĐT ngày 24/10/2022 theo phương án phân loại tự chủ tài chính giai đoạn 2020-2022 đã được Bộ Tài chính thống nhất cho giai đoạn 2020-2022 tại Công văn số 8506/BTC-HCSN ngày 14/7/2020, Công văn số 8593/BTC-HCSN ngày 19/7/2018 và Công văn số 5790/BTC-HCSN ngày 02/6/2021.

Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành các quyết định giao tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 (QĐ số 465/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2024; QĐ số 1109/QĐ-BGDĐT ngày 11/4/2024) cho các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo (các đại học vùng, các trường giao tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp mình trực tiếp quản lý).

NHỮNG TRƯỜNG HỢP TỰ ĐẢM BẢO CHI THƯỜNG XUYÊN VÀ CHI ĐẦU TƯ

Theo đó, Nhóm 1 (tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) giai đoạn 2020-2022 gồm 10 trường: Trường ĐH Mở TP.HCM; Trường ĐH Hà Nội; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TP.HCM; Trường ĐH Thương mại; ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Trường ĐH Luật TP.HCM; Trường ĐH Mở Hà Nội.

Nhóm 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên): Trường ĐH Cần Thơ.

Nhóm 3 (tự đảm bảo một phần chi thường xuyên): 32 đơn vị, bao gồm loại a (Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên) có 15 đơn vị.  Loại b (Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên) có 16 đơn vị.

Năm học 2023-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 01 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Theo đó, mức học phí năm học 2023-2024 một số khối ngành như sau: Khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội, báo cáo, du lịch khách sạn là 12 triệu đồng/năm; Khối ngành CNTT, kiến trúc, xây dựng là 14,5 triệu đồng/năm; Khối ngành sức khỏe: 18,5 triệu đồng/năm. Học phí các năm tiếp theo tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.

Đối với trường tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng hệ số 2  hoặc 2,5 lần.

Ngoài ra, đối với chương trình đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.  

Đối với trường dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí do mình quyết định (nội dung này được quy định tại Luật Giáo dục).

Các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; miền núi, hải đảo vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

MỨC THU HỌC PHÍ VẪN THẤP

Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập đã giữ ổn định trong 3 năm học vừa qua (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023) để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho đến nay lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa thực hiện được.

Tuy nhiên lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW vì khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Căn cứ lộ trình học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí từ năm học 2023-2024 tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.

Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024 làm cho quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

CƠ CHẾ ĐẶT HÀNG GIÁO VIÊN SƯ PHẠM CHƯA ĐẠT HIỆU QUẢ

Theo báo cáo, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 (gọi tắt là Nghị định 116). Nghị định này áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như số lượng thí sinh và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác.

Tuy nhiên quá trình triển khai Nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Thống kê qua 3 năm triển khai, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.

Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố.

Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học.

“Có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116”, báo cáo chỉ rõ.

Theo báo cáo, có 06 cơ sở đào tạo giáo viên đã được các địa phương sở tại và lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 02 trường trọng điểm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 51 chỉ tiêu), ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Các địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.

Năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục Đào tạo tập trung hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo…