Bộ Giao thông vận tải phát hiện nhiều "lỗ hổng" về đào tạo lái xe, chuyển hồ sơ sang công an
Sau khi thanh tra toàn diện việc sát hạch lái xe tại 63 tỉnh, thành, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận nhiều vấn đề về chất lượng đào tạo, sát hạch, thậm chí có việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện…
Chiều 7/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn dẫn chứng báo cáo của Bộ gửi đại biểu có nêu, theo thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định như: giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn.
Trước những bất cập này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để siết lại tình trạng này.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như: đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện.
"Công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe", đại biểu Nguyễn Thị Huế nêu rõ thực tế và đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Thừa nhận có thực trạng chủ doanh nghiệp vận tải ép tài xế chạy xuyên đêm dẫn đến buồn ngủ gây tai nạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dẫn chứng cách đây 3 năm, một vụ tai nạn giao thông ở Quảng Bình dẫn đến 15 người thiệt mạng, cơ quan chức năng khởi tố hình sự vụ tai nạn, lái xe gây tai nạn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khởi tố cả chủ doanh nghiệp vì hành vi buông lỏng quản lý, giao xe cho người có bằng lái không phù hợp.
"Rõ ràng đây là hành động rất cần thiết và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong Chỉ thị 10 ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ tịch UBND tỉnh phải chủ trì đánh giá nguyên nhân, cá thể hóa trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.
Về vấn đề đào tạo sát hạch lái xe, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết vừa qua thanh tra toàn diện việc sát hạch lái xe tại 63 tỉnh, thành, ghi nhận vấn đề về chất lượng đào tạo, sát hạch như: việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện…
Sau khi phát hiện, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo thanh tra Bộ xử lý nghiêm, chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện thông tư, siết chặt quản lý để không tái diễn việc cấp phép lái xe cho đối tượng nghiện.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các sở giao thông vận tải xử lý nghiêm, do lĩnh vực này phân cấp phân quyền toàn bộ xuống cho địa phương. Bộ sẽ hoàn thiện văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho địa phương quản lý.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu thêm một vướng mắc, bất cập hiện nay trong đào tạo, cấp phép lái xe đó là khó thực hiện chuyển đổi số và lãng phí nguồn lực về thời gian cho xã hội.
Đại biểu nêu rõ việc đào tạo, sát hạch lái xe là hoạt động nghề nghiệp, theo quy định có hình thức đào tạo chính quy, thường xuyên, phải học trực tiếp nhưng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cử tri và nhân dân.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đang điều chỉnh những vấn đề không phù hợp thông qua thông tư, sắp tới cập nhật bổ sung vào Luật Đường bộ để có cơ chế rõ ràng trong việc quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng.
“Quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy rất nhiều nội dung đào tạo không phù hợp. Như đại biểu nói là câu chuyện cứ bắt phải học trực tiếp, trong khi lý thuyết nếu học trực tuyến vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Tất cả việc này được Bộ ghi nhận hết và sẽ xử lý rất sớm trong thời gian tới’, ông Thắng nhấn mạnh.