18:46 16/08/2021

Bỏ quy định thu phí hạ tầng cảng biển, gỡ khó cho doanh nghiệp

Xuân Thái

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mới, nổi bật là quy định sẽ không thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy, giải tỏa mối lo cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua...

Sẽ bỏ quy định thu khoản phí trên đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.
Sẽ bỏ quy định thu khoản phí trên đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.

Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mới, nổi bật là quy định sẽ không thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy, giải tỏa mối lo cho nhiều doanh nghiệp.

RÀO CẢN PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vận tải trong lĩnh vực đường thủy, chủ hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội tại TP.HCM đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận với quy định của một số địa phương trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với phương tiện thủy.

Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, đã được nhiều địa phương áp dụng vào thực tiễn địa phương mình. TP. Hải Phòng được xem là địa phương phía Bắc đầu tiên áp dụng quy định thu phí hạ tầng cảng biển theo quyết định này (huy động nguồn vốn xã hội hóa để duy tu, nâng cấp hạ tầng cảng…) kể từ năm 2017 và có vài lần điều chỉnh mức thu.

Tại TP.HCM, trên cơ sở Nghị quyết Số 10/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp thứ 23 Khóa IX về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM phố (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển), UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai việc thu phí.

Theo đó bắt đầu từ ngày 01/7/2021 sẽ tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển. Đối tượng nộp phí là những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM; các  tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM, bao gồm tổ chức cá nhân mở tờ khai hải quan tại thành phố và ngoài TP.HCM.

 
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng phản ánh, việc thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy khiến phí chồng phí. Doanh nghiệp sẽ phải trả phí lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ví dụ, một doanh nghiệp của VASEP mỗi năm xuất 3.000 containers thì phải trả tới 5,5 tỷ đồng/năm, cộng với phí trạm BOT 7,5 tỷ đồng/năm, tính ra một năm doanh nghiệp phải trả tới 13 tỷ đồng.

Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tại TP.HCM đã kiến nghị giãn hoặc ngừng việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM. Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp chủ hàng, xuất nhập khẩu,… nói riêng gây nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ hàng là chuyền cung ứng bị đứt gãy, giá thuê container tăng cao. Với lý do này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã kiến nghị TP.HCM nên dừng lại việc thu phí, đợi đến khi Covid-19 giảm dần rồi tính sau. Còn Hội Cầu Đường – Cảng TP.HCM (PROPOCE) đề nghị phải chứng minh được việc thu phí để xây dựng, mở rộng đường sẽ mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp, tránh trường hợp thu phí xong, đường vẫn kẹt.

Sau các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, TP.HCM đã có thông báo hoãn áp dụng đến ngày 01/10/2021.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Bắc vẫn liên tục kiến nghị địa phương miễn, giảm khoản phí trên để không gây ra “phí chồng phí” và khó khăn cho vận tải thủy. Các lý do được nêu ra là phương tiện thủy khi vào cảng biển chỉ sử dụng luồng đường thủy quốc gia do Trung ương đầu tư và nộp phí đường thủy theo quy định, cùng với khoản trả phí cầu, bến cho doanh nghiệp cảng.

GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP

Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì xây dựng, quy định không thu khoản phí trên đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.

Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo cho biết, dự thảo quyết định có sự tham gia rộng rãi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các địa phương để thống nhất đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, cũng như bổ sung cơ chế, chính sách mới.

Dự thảo quy định Bộ Tài chính thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn về danh mục nguyên tắc thu, miễn giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, theo hướng không thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp để quyết nghị miễn loại phí trên. Ngoài ra, dự thảo quyết định cũng đề xuất phương tiện thủy khi vào, rời khu vực cảng hàng hải được áp dụng mức phí, lệ phí theo quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy để giảm chi phí vận tải.

Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo quyết định là Cục Đường thủy nội địa cũng cho biết, dự thảo kế thừa, bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu tiên được triển khai trong 5 năm qua theo Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg trước đó. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2026 sẽ ưu tiên bố trí mỗi năm tăng 1,3 lần vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy so với năm trước; tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy 3 năm/lần để tăng nguồn lực duy trì thông suốt hệ thống luồng tuyến vận tải, miễn lệ phí trước bạ cho phương tiện thủy...

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất cơ chế, chính sách mới như ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối đường thủy với các cảng biển chính.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi (dự thảo) quyết định được thực thi, quyết định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải thủy thông thương hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh vì rút ngắn thời gian vận chuyển.