Bổ sung quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu, áp dụng với một số trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật có hiệu lực thi hành...
Theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban cơ bản tán thành với những nội dung lớn của dự thảo Luật được các cơ quan báo cáo, kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc cần thiết phải bổ sung quy định mức tham chiếu, để làm cơ sở tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội khi bãi bỏ mức lương cơ sở. Ủy ban giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung về mức tham chiếu.
Đồng thời, Cơ quan thường trực cũng đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo, và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, trên cơ sở phân tích khoa học, thực tiễn, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghỉ hưu, tạo sự thống nhất.
Ủy ban cũng nhất trí bổ sung khoản 11 vào Điều 149 dự thảo Luật quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu, đối với một số đối tượng người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025 (dự kiến thời điểm Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành), có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên. Đề xuất này kế thừa quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, sẽ không còn mức lương cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Vì thế, hiện nay theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉnh lý mới nhất, đã quy định mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này.
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Trong khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này được áp dụng bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.
Cũng tại thông báo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với việc cần thiết phải điều chỉnh quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam nghỉ hưu, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến 20 năm.
Để có cơ sở xem xét quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương có văn bản chính thức đề xuất, chỉnh lý nội dung này. Đồng thời, thông tin, phân tích làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ hơn về vấn đề bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện quy định tại Điều 72 dự thảo Luật về mức lương hằng tháng.
Qua đó, nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi cho lao động nam, nữ hưởng lương hưu hằng tháng, phòng ngừa phát sinh bất cập, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội khi có hiệu lực.
Cùng với đó, Ủy ban cũng tán thành việc bổ sung quy định mức lương hưu hằng tháng đối với trường hợp người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang, với nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cơ quan tham gia góp ý, với tinh thần nỗ lực lớn, quyết tâm cao để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 7.