18:40 29/08/2024

Bộ Tài chính đề xuất hoãn xuất cảnh cá nhân và chủ hộ kinh doanh nợ thuế

Trâm Anh

Bên cạnh tạm hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và người nộp thuế có hành vi tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn vào diện hoãn xuất cảnh...

Cơ quan thuế thu hồi trên 900 tỷ đồng nợ thuế nhờ tạm hoãn xuất cảnh trong nửa đầu năm 2024.
Cơ quan thuế thu hồi trên 900 tỷ đồng nợ thuế nhờ tạm hoãn xuất cảnh trong nửa đầu năm 2024.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế. Một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi là nâng cao hiệu quả công tác thu nợ thuế cho phù hợp với thực tiễn quản lý thuế; thống nhất đối tượng quy định tại Luật Quản lý thuế trong trường hợp xuất cảnh.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng cũng như các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế. Từ đó, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

MỞ RỘNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG BỊ HOÃN XUẤT CẢNH

Trên thực tế, tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Đại diện nhiều cục thuế địa phương đánh giá khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp đã nghiêm túc phối hợp với cơ quan thuế để tránh các thiệt hại về uy tín, về kinh tế. Đây được coi là biện pháp mạnh và kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế.

Chỉ trong vòng nửa đầu năm, Tổng cục Thuế ban hành hơn 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.251,8 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 918,7 tỷ đồng của 1.482 người nộp thuế qua hình thức này. 

Trao đổi với báo giới gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân, pháp nhân có nợ thuế và thuộc diện có nguy cơ cao không thu hồi được nợ thuế do ra nước ngoài không quay trở lại hoặc rất lâu mới quay trở lại Việt Nam. Với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... dù còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường.

Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.

 

"Đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế vào khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế cho thống nhất, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh".

Tờ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:

“1. Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.”

Bên cạnh những kết quả đạt được khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho rằng Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, bởi quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế, người nộp thuế bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Do đó, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định tại khoản 1 Điều 66 là không phù hợp với thực tiễn.

"Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh, chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp", Bộ Tài chính phân tích.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bỏ quy định khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất.

KÊ BIÊN TÀI SẢN GẶP KHÓ

Bên cạnh tạm hoãn xuất cảnh, một trong những biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế đó là cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên được nêu rõ tại Điều 125 Luật Quản lý thuế.

Tính trong nửa đầu năm 2024, cơ quan thuế ban hành 251 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ, tương ứng vỏn vẹn 0,15% số lượng quyết định cưỡng chế được ban hành (174.492 quyết định).

Trong lần trao đổi với báo giới về việc thu hồi nợ thuế của các "ông lớn" đầu mối xăng dầu, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng việc thu hồi nợ thuế gặp khó khăn do cơ quan thuế không nắm được dòng tiền của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc kê biên tài sản cũng vướng mắc khi doanh nghiệp đã lấy làm tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng. Khi xảy ra sự vụ, tài sản này sẽ được ưu tiên xử lý trước tại ngân hàng, tài sản còn lại sẽ cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Vì vậy, khi sửa đổi quy định pháp luật, cơ quan thuế sẽ đánh giá lại những khó khăn khi cưỡng chế, kê biên tài sản để bổ sung, sửa đổi phù hợp. 

Trong tờ trình Chính phủ sửa đổi Luật Quản lý thuế, chỉ rõ bất cập về biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, Bộ Tài chính nhận thấy biện pháp này còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan thuế không có bộ phận chuyên trách, không có chức năng định giá, đấu giá tài sản nên khó thực hiện. Việc thực hiện rất phức tạp và mất nhiều thời gian, công chức cơ quan thuế không được đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá trị tài sản kê biên...

"Trong quá trình xác minh thông tin thì khó xác định quyền sở hữu tài sản của đối tượng nộp thuế để cưỡng chế hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nộp thuế nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu", Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.

Bên cạnh đó, hầu hết tài sản của người nộp thuế đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thời gian sử dụng của tài sản thấp. 

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 125 về Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo hướng cơ quan thuế chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ 3 khi đã có đầy đủ thông tin, điều kiện để thực hiện cưỡng chế không bắt buộc phải thực hiện tất cả các đối tượng.

Từ đó, giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm trọng điểm có khả năng thu hồi nợ nhằm tăng cường hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế.

"Bổ sung nguyên tắc đối với người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước", Bộ Tài chính đề xuất.