Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em
Trong đó cần đẩy mạnh việc phát hiện các biểu hiện bất thường của học sinh và nhanh chóng cung cấp thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhằm giảm thiểu hậu quả do bạo hành và xâm hại gây ra...
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có đề nghị gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em, tăng cường tư vấn, hỗ trợ gia đình học sinh về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã phản ánh một số sự việc bạo hành trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành Giáo dục địa phương triển khai ngay một số biện pháp cấp bách.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19; Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác hướng dẫn đến cán bộ, giáo viên trong nhà trường và gia đình học sinh về các quyền của trẻ em, trách nhiệm việc thực hiện quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em; công tác tư vấn, hỗ trợ gia đình học sinh về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, kỹ năng kiềm chế cảm xúc bản thân trong quá trình dạy trẻ học tập;
Đẩy mạnh phát hiện các biểu hiện bất thường của học sinh, cung cấp thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan liên quan nhằm phối hợp trong công tác nắm bắt thông tin, phòng ngừa, can thiệp sớm, giúp giảm thiểu hậu quả do bạo hành và xâm hại gây ra.
Chú trọng công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong công tác bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, không thông tin kịp thời các vụ việc đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Nhà nước, của ngành Giáo dục và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Vừa qua dư luận xã hội vô cùng bức xúc về 2 vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị “mẹ kế” bạo hành dẫn đến tử vong và vụ bé gái 3 tuổi tại huyện Thạch Thất bị bắn 9 chiếc đinh vào đầu với tiên lượng xấu.
Những sự việc đau lòng chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, ước tính trung bình mỗi năm, cả nước có từ 3 đến 4 ngàn vụ bạo lực với trẻ em được các ngành chức năng phát hiện và xử lý. Trong đó có khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại…
Ngoài ra các chuyên gia tư vấn đường dây nóng 111 cho biết, mỗi tháng trung bình họ đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200-300 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Đáng chú ý số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
Đặc biệt vào thời gian giãn cách xã hội vừa qua, do việc hạn chế đi lại, kèm với áp lực kinh tế, đồng thời việc trẻ em không đến trường tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ là một áp lực lớn đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực tăng đáng kể. Chỉ tính trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp; trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình.