10:56 04/07/2025

Bộ Tư pháp khai trương Hệ thống biên lai điện tử trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Như Nguyệt

Với hệ thống Biên lai điện tử được chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ tháng 7/2025, các giao dịch nộp – thu tiền đều được kiểm soát và đối soát chặt chẽ trên hệ thống, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa thất thoát và nâng cao uy tín ngành...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 4/7, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Hệ thống biên lai điện tử, đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực thi hành án dân sự, thể hiện tinh thần chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong ngành Tư pháp, phù hợp định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Chỉ trong tuần vận hành đầu tiên, tính từ 23/6, hệ thống đã ghi nhận gần 3.000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỷ đồng thu - nộp.

Hệ thống là một trong những phân hệ quan trọng thuộc Nền tảng số Thi hành án dân sự - nền tảng số tập trung dành cho lãnh đạo, công chức thi hành án dân sự, người dân và doanh nghiệp, đang được chủ trì triển khai bởi Cục Quản lý thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp.

Đặc biệt, việc triển khai hệ thống này là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, hướng tới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với việc giảm thiểu thao tác thủ công, rút ngắn thời gian xử lý, hạn chế sai sót và tăng cường quản lý tập trung, hệ thống không chỉ nâng cao hiệu quả nghiệp vụ, tinh gọn bộ máy hoạt động mà còn tạo nền tảng cho một nền hành chính tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng và minh bạch hơn.

Cụ thể, Hệ thống biên lai điện tử góp phần tăng cường tính minh bạch, tốc độ và an toàn và liền mạch dữ liệu trong quản lý tài chính thi hành án thông qua ứng dụng công nghệ AI tiên tiến, hệ thống cho phép số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai – từ quét giấy tờ, trích xuất thông tin tự động bằng công nghệ AI-OCR, phê duyệt bằng chữ ký số, đến cấp số biên lai tự động và lưu trữ tập trung.

Nhờ đó, cán bộ thi hành án dân sự có thể dễ dàng quản lý và tra cứu trên hệ thống điện tử thay vì phải xử lý thủ công hồ sơ giấy gây bất cập, tỷ lệ sai sót cao, cùng với sự trợ giúp của các tác nhân AI.

Người dân, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu thông tin biên lai mọi lúc, mọi nơi qua cổng điện tử, đảm bảo tính công khai và thuận tiện hơn. Với lãnh đạo điều hành, hệ thống cho phép báo cáo dữ liệu tức thời theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và nâng cao hiệu quả quản lý.

Với Hệ thống biên lai điện tử được chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ tháng 7 này, các giao dịch nộp – thu tiền đều được kiểm soát và đối soát chặt chẽ trên hệ thống, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa thất thoát và nâng cao uy tín ngành.

Hệ thống không chỉ là phần mềm quản lý, mà là nền tảng giúp thay đổi cách thức vận hành toàn ngành thi hành án dân sự, hướng đến một mô hình quản trị hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.

Trước đó, vào ngày 23/6/2025, Hệ thống biên lai điện tử đã được vận hành triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành thi hành án dân sự tại một trong những địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước.

Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc phải thi hành hơn 1 triệu quyết định thi hành án, với tổng số tiền trên 400.000 tỷ đồng và khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành – những con số càng cho thấy chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với lĩnh vực này.

 

Là đơn vị công nghệ đồng hành triển khai giải pháp, FPT đã phối hợp cùng Cục Quản lý thi hành án dân sự tiến hành xây dựng phương án và triển khai Hệ thống biên lai điện tử dựa trên kinh nghiệm sâu rộng trong số hóa quy trình nghiệp vụ ngành dọc, làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng giải pháp công nghệ hàng đầu về số hoá quy trình, tự động hóa, tích hợp quy trình phê duyệt, kiểm tra, ban hành quyết định thành một chuỗi liền mạch, đảm bảo tính chính xác và tuân thủ pháp lý.