10:29 30/07/2021

Bộ Y tế thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bình Dương

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Bình Dương cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách càng mạnh, càng nghiêm thì sẽ giảm được tốc độ lây lan dịch bệnh, nhất là đối với các khu đông dân cư...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh chiều 29/7.

TẬP TRUNG TIÊM VACCINE COVID-19 Ở "VÙNG ĐỎ"

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến chiều 29/7, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 9.946 ca mắc Covid-19. Trong đó: 2.479 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 1.442 ca bệnh phát hiện trong khu phong toả, 4.831 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.143 ca bệnh trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa) và 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch y tế.

Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5.019 ca mắc Covid-19 đang được điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng; 712 bệnh nhân khỏi bệnh.

Công tác điều trị Covid-19 hiện nay của tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng. Người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80%) được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ thầy thuốc và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Những trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.

Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (hiện có 200 giường ICU) để điều trị.

Tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh hình thành 3 trung tâm xét nghiệm bảo đảm xét nghiệm nhanh, trả kết quả trong vòng 24 giờ (năng lực xét nghiệm hiện tại khoảng 8.000 mẫu đơn/ngày; tương đương 80.000 mẫu gộp). Tỉnh đang khẩn trương phối hơp với các đơn vị nâng cao năng lực lên 100.000- 300.000 mẫu/ngày.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Y tế tiếp tục giúp Bình Dương về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, công tác xét nghiệm, quan tâm phân bổ vaccine cho lực lượng công nhân lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng thông báo chiến lược tiêm vaccine của tỉnh sẽ tập trung tiêm cho người dân ở “vùng đỏ” trong vòng 1 tuần sau khi đã quét F0.

Tiếp đến sẽ tổ chức những điểm tiêm nhỏ đến các ngõ phố để tiêm và không giới hạn số lượng người tiêm vaccine trong ngày. Tỉnh chủ trương bảo vệ “vùng xanh” phía Bắc, do đó người dân từ “vùng đỏ” qua “vùng xanh” phải thực hiện cách ly theo quy định.

TẬN DỤNG "THỜI GIAN VÀNG" ĐỂ CẮT ĐỨT NGUỒN LÂY

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu đang cùng ekip chuyên gia của Bệnh viện hỗ trợ Bình Dương về điều trị cho rằng, Bình Dương làm rất tốt công tác chăm sóc, điều trị các ca F0 nhẹ, không triệu chứng, tuy nhiên nhân lực y tế có trình độ chuyên môn còn thiếu.

Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang quá tải và chịu áp lực rất lớn trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Tỉnh cần nhanh chóng mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU). 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhất trí với chiến lược phòng chống dịch của Bình Dương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý Bình Dương cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giãn cách càng mạnh, càng nghiêm thì sẽ giảm được tốc độ lây lan dịch bệnh, nhất là đối với các khu đông dân cư.

Thời gian giãn cách của Bình Dương có thể sẽ dài hơn 2 tuần và “thành hay bại” là do tỉnh có tận dụng tốt hay không “thời gian vàng” để thực hiện xét nghiệm, dập dịch. Do đó, tỉnh cần huy động lực lượng thực hiện nghiêm giãn cách và kêu gọi người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Bình Dương còn có cơ hội để cắt đứt nguồn lây nên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng tỉnh cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chỉ thị 16 và test nhanh để “đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt”. Đồng thời lưu ý tỉnh tiếp tục truy vết vùng đỏ và quyét liên tục vùng này với tần suất dày hơn, giảm mật độ tiếp xúc ở những khu vực tập trung đông người.

Về công tác điều trị, sau khi nghe phân tích của chuyên gia Đoàn công tác Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, vấn đề Bộ Y tế đang quan tâm hiện nay ở Bình Dương là công tác hồi sức tích cực.

Hiện Bình Dương có 80 - 85% ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, do đó khi xây dựng tầng 1 khu điều trị cần có thêm phần cung cấp oxy thì giải quyết được 80% F0 nhẹ.

Ở tầng 1 khu điều trị, khuyến khích hình thức tự chăm sóc sức khỏe, không cần nhiều bác sĩ, y tá, nên dành lực lượng cho tầng 2 và tầng 3.

Ở tầng 2 (khu điều trị ở các cơ sở y tế với bệnh nhân nhẹ và trung bình) không được phép để thiếu hụt oxy. Tỉnh cần đầu tư bồn oxy và hệ thống oxy trung tâm. Làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.

Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm giám đốc.

“Chúng tôi sẽ điều chuyên gia y tế đến, tuy nhiên tỉnh cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực, mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế thiết lập ngay Trung tâm này”, Bộ trưởng nói.