11:17 10/06/2024

BOJ có thể sắp thắt chặt định lượng để nâng tỷ giá đồng yên

An Huy

Trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này, thị trường tài chính đang dự báo BOJ sẽ phản ứng với tình trạng mất giá kéo dài của đồng yên bằng cách giảm lượng trái phiếu mua vào...

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.

Một quyết định như vậy sẽ đảo ngược chính sách kích cầu nền kinh tế thông qua mở rộng bảng cân đối kế toán mà BOJ đã theo đuổi cả thập kỷ qua.

Theo tờ báo Nikkei Asia, cuộc họp này sẽ là một “bài kiểm tra” quan trọng về khả năng của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda về tương tác với cả thị trường tài chính và phối hợp với Chính phủ Nhật Bản. Phép thử này diễn ra sau khi những phát biểu của ông Ueda gây biến động mạnh trên thị trường tiền tệ sau cuộc họp gần đây nhất của BOJ vào hôm 25-26/4.

Trong những phát biểu đó, ông Ueda xem nhẹ ảnh hưởng của một đồng yên yếu, với mục đích nhằm giảm bớt kỳ vọng của thị trường về một chu kỳ bình thường hoá chính sách nhanh chóng của BOJ. Nhưng chính việc ông nói giảm như vậy đã dẫn tới một cuộc bán tháo đồng yên trên thị trường tài chính, khiến đồng tiền này rớt giá về mức thấp nhất 34 năm là 160 yên đổi 1 USD. Sau đó, Bộ Tài chính Nhật Bản phải phối hợp với BOJ bán ra 62 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.

Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước, tỷ giá đồng yên so với đồng USD ở mức 156,7 yên đổi 1 USD.

THỜI ĐIỂM PHÙ HỢP ĐỂ BOJ GIẢM MUA VÀO TRÁI PHIẾU

Theo dự báo của giới chuyên gia, BOJ sẽ giảm lượng mua hàng tháng trái phiếu chính phủ Nhật từ mức 6 nghìn tỷ yên (39 tỷ USD) hiện nay. Đây là lượng mua mà BOJ nói là cần thiết để duy trì quy mô bảng cân đối kế toán ở mức 761 nghìn tỷ yên. Trái phiếu có các kỳ hạn khác nhau và đáo hạn khi kết thúc kỳ hạn, nên bảng cân đối kế toán của BOJ sẽ giảm quy mô nếu cơ quan này không mua trái phiếu để bù vào lượng đáo hạn.

Nikkei cho biết BOJ đang xem xét cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng. Cho dù có đưa ra quyết định cắt giảm lượng mua trái phiếu trong cuộc họp tuần này, BOJ vẫn cần duy trì chương trình mua trái phiếu “như một công cụ để phản ứng với những cú tăng mạnh của lãi suất” - một quan chức BOJ nói với Nikkei. “Việc quan trọng là thị trường phải duy trì được sự ổn định”, một nguồn tin khác từ BOJ nói.

Nhiều ngân hàng lớn gồm Nomura, Mizuho, JPMorgan Chase, UBS, Deutsche Bank và BNP Paribas đều dự báo BOJ công bố quyết định giảm lượng mua vào trái phiếu tại cuộc họp tháng 6. Đây được xem là thời điểm phù hợp cho hành động như vậy bởi rơi vào ngay trước quý 3. BOJ thường cập nhật kế hoạch mua trái phiếu 3 tháng một lần, trước khi bước sang quý mới.

Về lãi suất, thị trường dự báo BOJ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này và sẽ nâng lãi suất từ 0-0,1% hiện nay lên mức 0,25% trong cuộc họp vào ngày 30-31/7. Hồi tháng 3, BOJ có đợt nâng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, đưa lãi suất ngắn hạn từ âm 0,1% lên 0-0,1%, chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, Thống đốc Ueda nhấn mạnh rằng BOJ sẽ hành động từ tốn để tránh gây ra một cú sốc cho nền kinh tế vốn dĩ đã quen với các biện pháp kích cầu bằng chính sách tiền tệ.

Gần đây, thị trường diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn cho việc BOJ giảm mua vào trái phiếu - một động thái có thể dẫn tới áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật. Môi trường thuận lợi này bao gồm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng dưới 4,3% và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm cũng giảm dưới 1% từ mức đỉnh của 13 năm là 1,1% thiết lập vào tháng trước.

“Điều kiện bây giờ đã tốt hơn để BOJ đưa ra quyết định giảm mua vào trái phiếu”, chiến lược gia lãi suất Tomoaki Shishido của Nomura phát biểu.

“Nếu BOJ không giảm lượng mua trái phiếu chính phủ, đó sẽ là một điều rất đáng ngạc nhiên. Thị trường đã phản ánh khả năng BOJ đưa ra một quyết định như vậy và hiện đang quan tâm nhiều hơn tới chi tiết của việc giảm, chẳng hạn lượng giảm sẽ là bao nhiêu”, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản của Deutsche Securities, ông Kentaro Koyama, nhận định, đồng thời dự báo đồng yên sẽ lại bị bán mạnh nếu BOJ không tuyên bố giảm chương trình mua trái phiếu.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế tin rằng bất kỳ sự cắt giảm nào mà BOJ công bố đối với chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp tuần này cũng sẽ chỉ ở mức nhỏ. Mizuho Securities kỳ vọng lượng mua trái phiếu hàng tháng sẽ giảm từ 6 nghìn tỷ yên xuống còn 5 nghìn tỷ yên, lưu ý rằng mục đích của việc giảm mua trái phiếu là để cho thấy BOJ sẵn sàng hành động để xử lý tình trạng mất giá của đồng yên. Tỷ giá đồng yên đã chững lại trong tuần vừa rồi do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhưng vẫn ở vùng thấp lịch sử so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác. Mizuho dự báo sau đợt giảm vào tháng 6, BOJ sẽ duy trì tốc độ mua trái phiếu trong những tháng sau đó.

TĂNG LÃI SUẤT VÀ THẮT CHẶT ĐỊNH LƯỢNG

Giới chuyên gia đang thiếu thống nhất về chính sách bảng cân đối kế toán của BOJ trong những tháng tới và liệu việc cắt giảm việc mua trái phiếu có phải là bước khởi đầu cho chính sách thắt chặt định lượng (QT) hay không.

Nhà kinh tế trưởng Ayako Fujita cả công ty JPMorgan Securities Japan nhận định nếu BOJ công bố quyết định giảm lượng mua trái phiếu trong cuộc họp tuần này, đó sẽ là sự khởi đầu của QT - tức là việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán, để BOJ sở hữu một bảng cân đối nhỏ hơn trong tương lai.

Chuyên gia Koyama của Deutsche Bank nói chỉ cần lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật hàng tháng của BOJ giảm nhẹ còn 5 nghìn tỷ USD, thì “điều đó cũng có nghĩa là thắt chặt định lượng”, vì lượng mua trái phiếu mới hàng tháng sẽ nhỏ hơn lượng đáo hạn, dẫn tới quy mô bảng cân đối kế toán của BOJ giảm. Ông Koyama dự báo BOJ sẽ quyết định giảm lượng mua trái phiếu chính phủ hàng tháng xuống còn 3 nghìn tỷ yên trong cuộc họp vào ngày 18-19/12, trước khi bước sang quý 1/2025.

BOJ hiện nắm khoảng 54% tổng lượng trái phiếu chính phủ Nhật đang lưu hành. Chương trình nới lỏng định lượng (QE) - tức mua vào trái phiếu - mạnh mẽ của BOJ và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của cơ quan này đã không chỉ kéo lãi suất dài hạn ở Nhật xuống mà còn làm giảm tính thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Nhật, khiến cho thị trường này không còn vận hành bình thường.

Ông Ueda, người trở thành Thống đốc BOJ vào tháng 4/2023, đã cam kết lập lại cơ chế định giá của thị trường. Hôm thứ Tư tuần trước, ông Ueda nhắc lại trong một phiên điều trần trước Quốc hội Nhật Bản rằng việc giảm mua trái phiếu ở thời điểm này là “phù hợp”, vì chính sách tiền tệ đã dịch chuyển khỏi giai đoạn kích cầu quy mô lớn.

Thị trường hiện đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng BOJ có đợt tăng lãi suất thứ hai trong cuộc họp vào cuối tháng 7, vì đến thời điểm đó, bức tranh tăng lương đã trở nên rõ ràng hơn. Ngoài ra, BOJ có thể dựa vào báo cáo triển vọng kinh tế được cập nhật hàng quý của cơ quan này để diễn giải về các động thái chính sách được đưa ra.

Mùa thu năm nay, BOJ sẽ có ít dư địa để hành động hơn, vì vào tháng 9, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sẽ tiến hành cuộc bầu cử 3 năm một lần để bầu Chủ tịch đảng. Đương kim Thủ tướng Fumio Kishida có thể sẽ phải cạnh tranh với một đối thủ khác để giữ cương vị thủ lĩnh LDP trong cuộc bầu cử này, vì ông Kishida đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp của cử tri. Nếu LDP có Chủ tịch mới, Nhật Bản sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm - điều đã xảy ra cách đây 3 năm khi ông Kishida được bầu làm thủ lĩnh mới của LDP.

Chuyên gia Shishido của Nomura nói BOJ sẽ muốn tránh có thay đổi chính sách khi diễn ra tổng tuyển cử. Nếu chính sách tiền tệ dịch chuyển theo hướngthắt chặt vào thời gian bầu cử, đảng cầm quyền sẽ gặp bất lợi vì hiệu ứng tiêu cực của chính sách đó đối với nền kinh tế, dẫn tới một vị thế khó xử cho BOJ.