Bốn hiệp hội mong Chính phủ giúp đàm phán để nhập khẩu vaccine từ UAE
Các hiệp hội dệt may, da giày và túi xách, điện tử, gỗ đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm miễn phí cho người lao động...
Bốn hiệp hội ngành hàng lớn gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - giày - túi xách, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử và Hội Mỹ nghệ - chế biến gỗ TP.HCM vừa cùng ký văn bản gửi tới Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Bốn hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner – UAE. Vào ngày 13/7 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vaccine của tập đoàn này.
Theo lãnh đạo bốn hiệp hội này, dù Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vaccine nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ nhập khẩu.
“Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với Tập đoàn Royal Stratergic Partners UAE của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy," đại diện 4 hiệp hội đề xuất. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội trực tiếp chịu trách nhiệm.
Năm 2021, tổng cầu cho các mặt hàng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến cuối năm, đưa triển vọng xuất khẩu lên mức tốt hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành trên đạt gần 150 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, sử dụng trên 8 triệu lao động và có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ cho các ngành trên. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch của bốn nhóm ngành hàng này đều có tốc độ tăng trưởng 15 - 20%.
Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Nam. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” đã được thực hiện nhưng do các doanh nghiệp bốn ngành hàng đều có quy mô sử dụng hàng ngàn đến vài chục ngàn lao động nên không đủ khả năng triển khai. Do vậy, trên 90% doanh nghệp đều phải chấp nhận dừng sản xuất, làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt sản xuất tại Việt Nam.
Trong đơn “kêu cứu” lên Chính phủ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định: việc áp dụng “3 tại chỗ” chỉ được thực hiện ở 1 số đơn vị ít hoặc không quá nhiều lao động. Điều này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt rủi ro về sức khỏe của người lao động. Thực tế, có tới 60 - 70% lao động không đồng ý ở lại công ty do sợ bị lây nhiễm. Do đó, giải pháp căn cơ là người lao động và người dân được tiêm vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể.
Do đó, bốn hiệp hội khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu cấp bách vaccine bằng nguồn tự chi trả để cứu người lao động và duy trì sản xuất. "Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan liên quan các giải pháp cấp thiết cần phải triển khai khẩn trương tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Đồng thời hỗ trợ các hiệp hội mua được vaccine từ nguồn tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động," các hiệp hội kiến nghị.