10:30 20/09/2008

Bốn nguyên nhân giúp chứng khoán Mỹ phục hồi

Duy Cường

Ngày 19/9, chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh mẽ, trong đó thị trường Mỹ bất ngờ phục hồi với ngày giao dịch ấn tượng

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần - Ảnh: Reuters.
Ngày 19/9, chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh mẽ, trong đó thị trường Mỹ bất ngờ phục hồi bằng ngày giao dịch ấn tượng.

Chứng khoán Mỹ phục hồi trong một tuần biến động mạnh

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 19/9 đã tăng 6,67 USD/thùng, tương đương 6,8%, chốt ở mức 104,55 USD/thùng, tăng 3,3% so với tuần trước.

Hôm 18/9, phát biểu sau cuộc họp khẩn kéo dài tới buổi tối muộn với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson nói: “Nguyên nhân sâu xa của tình hình căng thẳng trên thị trường vốn chính là sự điều chỉnh của thị trường địa ốc. Do vậy, chúng tôi đang hợp tác để tìm ra một giải pháp khẩn cấp nhằm thẳng vào trọng tâm của vấn đề, đó chính là những tài sản có tính thanh khoản kém trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính”.

Như vậy, Chính phủ Mỹ đã chính thức đưa ra đề xuất về gói hỗ trợ cho khối tài chính để ngăn chặn cơn khủng hoảng tài chính ở nước này. Tuy nhiên, kế hoạch giải cứu thị trường tài chính đang chờ sự phê chuẩn của Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống Mỹ.

Thông tin đó tiếp tục đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ và ngạc nhiên hơn, sau những sóng gió trong tuần qua, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm so với tuần trước.

Đây là điều hết sức bất ngờ bởi giới đầu tư đã tin vào một cuộc “đại khủng hoảng” ở Phố Wall sau khi Lehman tuyên bố phá sản, Merrill Lynch sáp nhập với Bank of America, AIG được FED thâu tóm, Morgan Stanley đang đứng trước khả năng phải sáp nhập và một số ngân hàng khác cũng đang tính đến phương án tương tự như Morgan Stanley…

Theo giới phân tích nhận định, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến chứng khoán Mỹ phục hồi:

Một là, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã ban hành quy định mới về bán khống, theo đó các nhà đầu tư, môi giới phải trả lại cổ phiếu (tức là phải mua lại cổ phiếu) sau 3 ngày đặt lệnh bán khống trước đó.

Hai là, đưa 19 cổ phiếu của các hãng tài chính vào diện cấm bán khống, trong đó có cổ phiếu của Lehman Brothers, AIG, Freddie Mac, Fannie Mae, Citigroup,… tiếp đó, đến ngày 19/9 đã có 799 mã chứng khoán cũng được đưa vào diện cấm bán khống.

Ba là, sự điều hành linh hoạt của FED và Bộ Tài chính Mỹ, theo đó FED linh động bơm tiền để tạo thanh khoản cho thị trường tài chính, mua lại 80% cổ phần của AIG để tránh sự đổ vỡ của hãng này và cũng là cứu nhiều tập đoàn được AIG nhận bảo hiểm,… tiếp đó là đưa ra gói hỗ trợ để cứu các tập đoàn tài chính bằng việc mua lại các khoản nợ xấu của các tổ chức này…

Bốn là, giới chức Chính phủ Mỹ đã trấn an thị trường rất kịp thời và hiệu quả, đặc biệt sau những lời trấn an là một hành động cụ thể và có lộ trình rõ ràng.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng 368,75 điểm, tương đương 3,35%, đóng cửa ở mức 11.388,44, thấp hơn tuần trước 0,29% và giảm 14,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này tiến thêm 74,8 điểm, tương ứng 3,4%, chốt ở mức 2.273,9, tăng 0,56% so với tuần trước và thấp hơn 14,27% so với cùng kỳ năm 2007.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 48,45 điểm, tương đương 4,01%, đóng cửa ở mức 1.254,96, cao hơn tuần trước 0,26% và thấp hơn 14,53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

* Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers đã tiến hành các thủ tục cần thiết để công bố phá sản.

* Ngân hàng bán lẻ số một ở Mỹ, Bank of America đã tuyên bố mua lại Merrill Lynch với giá xấp xỉ 50 tỷ USD, tương đương 29 USD/cổ phiếu.

* Tập đoàn Bảo hiểm hàng đầu nước Mỹ, American International Group (AIG) đã phải cầu việc từ FED cho vay khoảng 40 tỷ USD cho hoạt đông kinh doanh nhưng sau đó đã phải chấp nhận bị FED mua lại 80% cổ phần để tránh một sự đổ vỡ.

* Ngày 15/9, chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 11/9/2001.

* 10 ngân hàng đã lập ra một quỹ có giá trị 70 tỷ USD để phòng tránh khủng hoảng, theo đó Bank of America, Barclays, Citibank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JP Morgan, Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS, mỗi ngân hàng sẽ góp 7 tỷ USD.

* FED liên tục bơm tiền để tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính.

* Ngày 16/9, FED đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản đối với đồng USD ở mức 2%/năm.

* Ngân hàng Barclays của Anh vừa đồng ý mua lại mảng kinh doanh môi giới của Lehman với giá 2 tỷ USD.

* Ngân hàng Morgan Stanley thông báo đã thu về 1,41 tỷ USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 1,32 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên thông tin trong tuần phát đi cho thấy, rất có thể ngân hàng này phải sáp nhập để tồn tại.

* Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã áp dụng quy định cấm bán khống (Short Sales) đối với cổ phiếu của 19 hãng tài chính nhằm tránh một cuộc bán tháo trên diện rộng đối với cổ phiếu khối này.

* 19 cổ phiếu của các hãng tài chính được SEC đưa vào bảo vệ bằng cách không cho phép bán khống bao gồm: Cổ phiếu của Lehman Brothers, AIG, Freddie Mac, Fannie Mae, Citigroup, …và Tập đoàn GE cũng đệ đơn xin SEC đưa cổ phiếu GE vào diện không được bán khống.

* Tính đến ngày 19/9, đã có 799 cổ phiếu được SEC đưa vào diện cấm bán khống.


Chứng khoán châu Âu: Khối tài chính bứt phá

Nhờ quy định tạm thời cấm bán khống đối với 799 cổ phiếu của các tập đoàn ở Mỹ và các động thái ứng phó với khủng hoảng của Chính phủ Mỹ khiến chứng khoán Phố Wall tiếp tục bứt phá.

Điều này đã giúp chứng khoán châu Âu có ngày tăng điểm kỷ lục trong lịch sử khi thị trường Anh và Pháp tăng 9% trong khi thị trường Đức tăng trên 5,5%. Riêng với chỉ số của 300 tập đoàn hàng đầu châu Âu (FTSEurofirst 300) đã tăng vọt thêm 8,2%.

Các cổ phiếu khối tài chính dẫn đầu về biên độ tăng điểm khi tiến thêm 17,46%, trong đó cổ phiếu UBS tăng vọt thêm 31,66%, Barclays lên 29,24%, HBOS tăng 28,91%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 431,3 điểm, tương đương 8,84%, đóng cửa ở mức 5.311,3, giảm 1,94% so với tuần trước, khối lượng giao dịch phiên này tăng vọt lên 6,06 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 5,56%, chốt ở mức 6189,53, thấp hơn 0,72% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 216 triệu cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng vọt thêm 9,27%, đóng cửa ở mức 4.324,87, giảm 0,17% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 543 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Một phiên tăng gần bằng cả tuần giảm

Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố một kế hoạch lớn nhằm cứu nguy cho thị trường tài chính nước này. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ mua vào các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngay sau thông tin trên, các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng mạnh khi thị trường mở cửa, đà tăng tiếp tục được duy trì cho đến khi các thị trường đóng cửa ngày giao dịch. Trên các thị trường chứng khoán, việc các lệnh mua đã áp đảo lệnh bán đã đẩy các chỉ số chứng khoán tăng mạnh, thậm chí thị trường Trung Quốc đã tăng gần 10%, tức gần 100% cổ phiếu tăng trần.

Trái ngược với diễn biến trong nhiều phiên trước đó, phiên này niềm tin đã thực sự trở lại với nhiều nhà đầu tư, và điều đó được thể hiện qua biên độ tăng của các thị trường. Tuy nhiên, tính chung trong tuần, các chỉ số vẫn ở mức thấp hơn tuần trước, riêng với thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông, phiên tăng điểm này đã lấy lại cân bằng sau khi liên tục mất điểm các phiên trong tuần.

Chứng khoán Nhật kết thúc ngày giao dịch cuối tuần với đà tăng ấn tượng sau khi mất điểm mạnh phiên trước đó. Trong năm 2008, chưa có tuần nào thị trường chứng khoán Nhật lại biến động lớn như tuần này, các nhà đầu tư ào ạt tranh bán cổ phiếu, rồi ào ạt mua vào. Niềm tin và sự thất vọng luôn thay đổi theo những diễn biến của thị trường tài chính Mỹ.

Kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ đã tác động tích cực tới thị trường Nhật và khiến cổ phiếu khối tài chính, cổ phiếu không ít hãng xuất khẩu lớn có ngày tăng điểm mạnh nhất trong năm.

Tiêu biểu là cổ phiếu Mitsubishi UFJ tăng 11,5%, Mizuho Financial Group lên 12,6%, Nomura Holdings tiến thêm 9,6%, trong khi đó, cổ phiếu của Canon lên 8,1%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 431,56 điểm, tương đương 3,76%, đóng cửa ở mức 11,920.86. Tuy nhiên, trong tuần này, chỉ số Nikkei 225 vẫn giảm 2,4% so với tuần trước và thấp hơn 22% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm qua các chỉ số khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tăng 5,82%, chốt ở mức 5.970,38, thấp hơn tuần trước 5,39%.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 4,55%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 1.455,78, giảm 1,5% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore lên 5,56%, đóng cửa ở mức 2.553,65, giảm 0,66% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng vọt lên 9,61%, đóng cửa ở mức 19.327,73, giảm 0,3% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên giao dịch cuối tuần này tăng 9,46%, chốt ở mức 2.075,09 và chỉ giảm 0,2% so với tuần trước. Đây được xem là thị trường thành công nhất trong số các chỉ số chứng khoán chính ở châu Á.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.019,70 11.388,44  Up 368,75 Up 3,35
Nasdaq 2.199,10 2.273,90 Up   74,80 Up 3,40
S&P 500 1.206,51 1.255,08 Up   48,57 Up 4,03
Anh FTSE 100 4.880,00 5.311,30  Up 431,30 Up 8,84
Đức DAX 5.863,42 6.189.53 Up 326,11 Up 5,56
Pháp CAC 40 3.957,86 4.324.87 Up 367,01 Up 9,27
Đài Loan Taiwan Weighted 5.641,95 5.970,38 Up 328,43 Up 5,82
Nhật Nikkei 225 11.489,30 11.920,86 Up 431,56 Up 3,76
Hồng Kông Hang Seng 17.632,46 19.327,73 Up 1.695,27 Up 9,61
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.392,42 1.455,78 Up   63,36 Up 4,55
Singapore Straits Times 2.430,27 2.553,65 Up 134,44  Up 5,56
Trung Quốc Shanghai Composite 1.895,84 2.075,09 Up 179,25 Up 9,46
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg