Bốn nguyên nhân khiến các dự án giao thông tại Thanh Hóa gặp khó
Ngoài những nguyên nhân trong công tác tác giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguyên vật liệu, thì việc nhà thầu thiếu năng lực cũng trở thành "rào cản" trong việc thực hiện các dự án, công trình giao thông dự án tại tỉnh Thanh Hóa....
Theo thông tin tổng hợp mới nhất từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 139 dự án, công trình giao thông của 32 chủ đầu tư, gồm có 5 sở, ban, ngành; 26 UBND huyện, thị xã và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công; bao gồm: 24 dự án đã hoàn thành, 88 dự án chuyển tiếp, 20 dự án khởi công mới, 7 dự án chuẩn bị đầu tư. Tổng mức đầu tư của các dự án là 35.952,21 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giao là 17.475,4 tỷ đồng, trong đó: kế hoạch vốn năm 2023 là 5.145,3 tỷ đồng (vốn giao mới năm 2023 là 3.564,5 tỷ đồng, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.580,8 tỷ đồng).
Tổng giá trị khối lượng hoàn thành của các dự án tại Thanh Hóa đến hết năm 2023 đạt khoảng 14.238,9 tỷ đồng; số vốn giải ngân của năm 2023 khoảng 3.086,2 tỷ đồng, đạt 60% vốn giao 2023, gồm: vốn giao mới năm 2023 là 2.525,8 tỷ đồng, đạt 70,9%; vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 560,4 tỷ đồng, đạt 36,14%.
Về tình hình thực hiện, giải ngân các nhóm dự án giao thông tại Thanh Hóa, cụ thể như đối với 24 dự án đã hoàn thành thì có 19/24 dự án đã giải ngân 100% vốn, đạt yêu cầu; 5/24 dự án không đáp ứng yêu cầu giải ngân 100% vốn, gồm: UBND huyện Thiệu Hoá 1 dự án, UBND huyện Quan Hoá 4 dự án, nguyên nhân do chưa hoàn thiện hồ sơ, phê duyệt quyết toán dự án.
Đối với 88 dự án chuyển tiếp, gồm có 14 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023; 71 dự án hoàn thành sau năm 2023; 3 dự án giãn, hoãn tiến độ, thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật, thì có 28/88 dự án đã giải ngân 100% vốn và 33/88 dự án đã giải ngân trên 80% vốn trước ngày 21/12/2023, đảm bảo yêu cầu.
Có 27/88 dự án giải ngân thấp hơn 80% vốn trước ngày 21/12/2023, trong đó Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa là 4 dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp 2 dự án; Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông 2 dự án; UBND các địa phương 18 dự án, gồm: TP. Thanh Hoá 2 dự án, TP. Sầm Sơn có 1 dự án, Hà Trung có 1 dự án, Nông Cống 2 dự án, Như Thanh có 1 dự án, Thọ Xuân 2 dự án, Triệu Sơn 1 dự án, Bỉm Sơn 1 dự án, Thiệu Hóa 1 dự án, Quan Hóa 1 dự án, Mường Lát 1 dự án, Quảng Xương 1 dự án, Thạch Thành có 1 dự án, Hoằng Hoá 2 dự án; Ban Quản lý di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng 1 dự án.
Đối với 20 dự án khởi công mới và có 7 dự án chuẩn bị đầu tư, thì tỉnh này có 8/20 dự án khởi công mới giải ngân cao hơn 80% vốn giao trước ngày 21/12/2023. Có 12/20 dự án khởi công mới giải ngân thấp hơn 80% kế hoạch vốn năm 2023, trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp 2 dự án; UBND các địa phương 10 dự án, gồm huyện Quan Hóa có 4 dự án, Lang Chánh 5 dự án, Thường Xuân có 1 dự án. Có 5/7 dự án chuẩn bị đầu tư đã giải ngân cao hơn 80% vốn giao trước ngày 21/12/2023; còn lại 2 dự án do UBND huyện Thường Xuân chuẩn bị đầu tư giải ngân thấp hơn 80% kế hoạch vốn năm 2023.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023 các khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện các dự án, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh này có 4 nguyên nhân cơ bản.
Nguyên nhân đầu tiên là công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn nhiều vướng mắc nhưng chưa được tập trung giải quyết kịp thời.
Nguyên nhân thứ hai là công tác lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư một số dự án còn chậm.
Nguyên nhân thứ ba được chỉ ra là do trên địa bàn tỉnh này đang triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình, nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn, có thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân của các dự án.
Nguyên nhân cuối cùng là do một số nhà thầu thiếu năng lực, chưa bố trí đủ tài chính, vật liệu, nhân lực, thiết bị để triển khai thi công theo hợp đồng đã ký kết.