19:06 25/08/2023

BRICS mạnh dạn mở rộng, bổ sung 6 nước thành viên mới

An Huy

Đây được xem là một thắng lợi dành cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa BRICS trở thành một đối trọng với G7 - câu lạc bộ của các nền công nghiệp phát triển...

Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi, nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 - Ảnh: Getty/FT.
Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi, nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 - Ảnh: Getty/FT.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã công bố kế hoạch mở rộng lớn nhất trong lịch sử nhóm, khi Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được mời gia nhập. Đây được xem là một thắng lợi dành cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa BRICS trở thành một đối trọng với G7 - câu lạc bộ của các nền công nghiệp phát triển.

Các quốc gia nói trên được đề nghị trở thành thành viên mới BRICS từ năm tới, bên cạnh các thành viên cũ của nhóm là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 24/8, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi đợt mở rộng này của BRICS là một “chương mới” của nhóm.

“Chúng tôi đã có được sự đồng thuận trong giai đoạn đầu tiên của quá trình mở rộng này, và các giai đoạn kế tiếp sẽ lần lượt diễn ra”, ông Ramaphosa nói, nhấn mạnh rằng BRICS cũng sẽ phát triển một “mô hình đối tác” cho các quốc gia khác.

Lần mở rộng đầu tiên của BRICS diễn ra vào năm 2010, khi Nam Phi gia nhập nhóm, nâng số thành viên lên 5 nước từ 4 nước sáng lập. Đó đã được coi là một thắng lợi của Trung Quốc - thành viên đã luôn thúc đẩy việc nhanh chóng mở rộng BRICS từ trước hội nghị thượng đỉnh lần này. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc xem việc gia tăng thành viên BRICS là một cách để phục vụ cho mục tiêu của Bắc Kinh giữ vai trò lãnh đạo thế giới đang phát triển.

Đợt mở rộng này của BRICS đưa Iran và Saudi Arabia, hai nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới ngoài Mỹ, gia nhập nhóm. Đây sẽ là những thành viên BRICS đầu tiên ở Trung Đông, và sự gia nhập của họ tiếp nối việc Bắc Kinh đứng ra làm trung gian cho việc bình thường hoá quan hệ giữa Riyadh và Tehran trong năm nay.

“Trung Quốc đang giữ vai trò thiết lập chương trình nghị sự trong nhóm BRICS” nhằm cạnh tranh với Mỹ - nhà nghiên cứu cấp cao Priyal Singh của Viện nghiên cứu An ninh của Nam Phi - nhận định với tờ Financial Times. Bắc Kinh “đang đầu tư ngày càng nhiều cả về mặt ngoại giao, kinh tế và chính trị trong BRICS nhằm biến nhóm này thành một đối trọng” với phương Tây.

Ấn Độ là nước dè dặt hơn với việc mở rộng BRICS, nhưng Thủ tướng Narendra Modi tuần này đã phát tín hiệu ủng hộ việc đón nhận những thành viên mới. Trong số các quốc gia được mời vào BRICS lần này có một số đối tác quốc phòng chiến lược của Ấn Độ, như UAE và Ai Cập. “Việc bổ sung thành viên mới sẽ làm cho BRICS trở nên mạnh mẽ hơn nữa và tạo ra một động lực mới cho nhóm”, ông Modi phát biểu.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào quan tâm tới BRICS cũng muốn nhanh chóng gia nhập nhóm. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cũng là một nước trong danh sách mà BRICS dự kiến mời chính thức, nhưng Jakarta chưa có lời đề nghị xin gia nhập và nói rằng đang thảo luận nội bộ về vấn đề này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh các thành viên mới của BRICS và kêu gọi nhóm tăng cường quan hệ kinh tế, bao gồm thiết lập một đồng tiền chung. “Tôi muốn đảm bảo với các đồng nghiệp của tôi rằng chúng ta sẽ tiếp tục những gì chúng ta đã khởi xướng. Đó là mở rộng ảnh hưởng của BRICS trên thế giới”, ông Putin phát biểu trực tuyến qua kết nối video từ điện Kremlin.

Các thành viên mới sẽ nâng tỷ trọng của BRICS trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu từ 32% hiện nay lên 37% nếu tính theo đồng giá sức mua - theo Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo BRICS cũng giao bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương vạch ra các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại giữa các quốc gia thành viên. Kết quả sẽ được báo cáo lại vào kỳ họp năm sau - ông Ramaphosa cho hay.

“Đang có một động lực toàn cầu cho việc sử dụng các đồng tiền bản địa, các cơ chế tài chính thay thế và các hệ thống thanh toán thay thế”, nhà lãnh đạo Nam Phi nói.

Cam kết tăng cường sử dụng đồng tiền của các nước thành viên BRICS được xem là một bước đi dè dặt hơn so với những tuyên bố về phi đôla hoá mà nhóm đưa ra trước kỳ họp thượng đỉnh, chẳng hạn như việc Tổng thống Lula đưa ra ý tưởng về một đồng tiền chung của BRICS cho giao dịch thương mại.