BST Thu – Đông 2022 của Bottega Veneta: câu chuyện kể qua trang phục
Điều gì làm nên Bottega Veneta? Bộ sưu tập ra mắt của Giám đốc Sáng tạo Mathieu Blazy lý giải cho câu hỏi nguyên căn về thương hiệu: dựa trên quá khứ để nhận thức hiện tại và khơi mở tương lai…
“Bottega Veneta hướng tới sự thực dụng vì bản chất, đây là một công ty làm đồ da. Chuyên về các thiết kế túi xách, Bottega Veneta luôn hướng đến sự dịch chuyển; về căn bản, ý tưởng về thủ công trong chuyển động luôn hiện hữu trong các sản phẩm. Phong cách vượt qua thời trang bằng sự trường tồn bất biến. Đó là yếu tố làm nên sức mạnh thầm lặng của phong cách,” Mathieu Blazy chia sẻ.
Da thuộc là yếu tố đầu tiên khi nhắc về thương hiệu có xuất phát điểm là những chiếc túi xách da đan chéo lừng danh, mà cũng là một trong những chiến thuật của Matthieu. Sự trở lại của những chiếc túi da đan dáng cổ điển cho đến hiện đại là tuyên ngôn về sự “đơn giản mà sang trọng”. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chất liệu da còn được Matthieu hào phóng sử dụng cho cả trang phục khi cấp kết hợp với kỹ thuật may đo điêu luyện để mang đến những chiếc áo khoác và tà váy phóng túng. Tất cả toát lên đẳng cấp của những bậc thầy thuộc da và cắt may nước Ý.
Nhưng Matthieu không bật chế độ an toàn với những giá trị lâu đời. Ở BST này có một số ý tưởng “vui” và lạ mắt để cân bằng sự nghiêm túc. Đối kháng với những chiếc túi xách da đan cầu kì là kiểu túi chữ nhật trông như chiếc gối ngủ, hay sự xuất hiện của đôi guốc lông màu cam đỏ làm bạn phải chú ý ngay lập tức. Cuộc chơi với dáng hình còn được Matthieu sử dụng trên phom kén tằm của loạt áo khoác hải quân peacoat. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bắt gặp chút gì của Matthieu tại Maison Margiela trên thiết kế đầm ráp ghép từ nhiều mảng họa tiết. Bộ sưu tập đề cao tính ứng dụng, phong cách hiện đại, năng động nhưng không làm mất đi sự thanh lịch bay bổng đặc trưng của nước Ý.
Từ cô mẫu người Ý trong chiếc quần giả denim (chiếc quần này thực tế được làm từ da nubuck mềm và in mô phỏng denim, một kỹ thuật gây kinh ngạc) đeo chiếc túi Kalimero trên vai (mỗi chiếc túi là một kiệt tác chế tác thủ công, da được đan thủ công theo kỹ thuật intreccio vô cùng độc đáo để trở thành chiếc túi hoàn chỉnh, hoàn toàn không có đường may). Cho tới những cô gái mặc chiếc áo sơ-mi của người yêu (lại là một món đồ khác được làm từ da nubuck, mô phỏng áo sơ-mi truyền thống) và đôi bốt da intreccio cao đến ngang đùi (cũng là một món đồ được đan nguyên khối).
Rồi đến dàn người mẫu nam và nữ xuất hiện trong những bộ suit phá cách với các chi tiết cắt may thể hiện tầm nhìn hướng tới tương lai của NTK, với nguồn cảm hứng từ Chủ nghĩa Vị Lai tại Ý. Chất liệu được xử lý tỉ mỉ với kỹ thuật riêng biệt để đạt tới độ siêu nhẹ, dày dặn, kết cấu độc đáo và sự uyển chuyển theo từng bước đi, trên cả trang phục nam và nữ.
Từ vải flannel sợi len, và vải herringbone điểm xuyết chỉ màu, rồi những món đồ từ vải dệt kết cấu đặc biệt ôm trọn cơ thể, tới những phiên bản cải tiến mới của chất liệu ren Leavers - vẫn được dệt bằng khung cửi từ thế kỷ 18, kết hợp với vải jersey sợi tổng hợp của thế kỷ 21... đồ dệt may có dấu ấn riêng rõ rệt, gợi nhớ đến những mảnh ghép tuổi thơ được nâng niu trên các thiết kế mang vẻ ngoài độc đáo.
Trong show diễn, vài người mẫu cầm trên tay chiếc túi dự tiệc hình gối ngủ được làm bằng da. Ngay cả những chiếc túi hộp da intreccio, nom như một món đồ gia dụng, có thể được cầm túm trên tay. Ở đây, câu hỏi đặt ra không phải là “tại sao?” mà là “tại sao không?” Cử chỉ của mỗi cá nhân riêng biệt có sức ảnh hưởng nhất định; làm thế nào để sống và dịch chuyển trong bộ trang phục ấy, để kể câu chuyện của mình thông qua trang phục, đó hoàn toàn là quyết định của người mặc – một điều mà thương hiệu tôn trọng và ủng hộ tuyệt đối.
Trước khi mở ra một chương mới giàu tiềm năng, tân Giám đốc Nghệ thuật của Bottega Veneta đã dành rất nhiều thời gian ở sau hậu trường làm phụ tá của những nhà thiết kế ngôi sao. Matthieu Blazy sinh năm 1984 tại Paris, tốt nghiệp trường La Cambre ở Brussels. Anh bắt đầu sự nghiệp thời trang của mình với tư cách là Nhà thiết kế đồ nam cho Raf Simons, trước khi cùng Maison Martin Margiela thiết kế dòng sản phẩm ‘Artisanal’ và thiết kế đồ cho show diễn RTW nữ. Năm 2014, anh trở thành Nhà thiết kế cấp cao tại Céline, trước khi cộng tác lại với Raf Simons tại Calvin Klein từ năm 2016 đến năm 2019. Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc thiết kế dòng sản phẩm may sẵn tại Bottega Veneta vào năm 2020.
Quyết định trở lại với lịch trình chính thức của Milan Fashion Week là câu trả lời cho câu hỏi Bottega Veneta và Matthieu Blazy sẽ lột xác hay kế thừa Daniel Lee. Lần ra mắt này, Matthieu tập trung vào giá trị cốt lõi của thương hiệu và sự tinh tế, cổ điển. Có thể BST này chỉ đánh dấu nhiệm kì mới của một NTK trong lịch sử của Bottega Veneta, nhưng nó lại là thời khắc ý nghĩa khi cuối cùng thì kẻ diễn vai phụ cũng được đón nhận ánh đèn spotlight và tràng vỗ tay sau nhiều năm thầm lặng sau cánh gà.