Cả nước chỉ có 9 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 20 tỉnh/thành dạy học bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình; 34 tỉnh, thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình...
Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên công tác giáo dục ở các địa phương phải tự thích nghi với hoàn cảnh tùy vào từng thời điểm. Có lẽ chưa bao giờ việc quay lại trường học trở nên khó khăn, thách thức đến vậy.
ĐA SỐ TỈNH/THÀNH VẪN HỌC TRỰC TUYẾN
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 29/11 cả nước chỉ có 9 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang. Còn lại 20 tỉnh, thành dạy học bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình; 34 tỉnh, thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Thống kê đến cấp huyện thì cả nước có 407/713 đơn vị đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình để ứng phó với dịch bệnh.
Trong đó, TP. Hà Nội đứng đầu cả nước với 30/30 quận, huyện, thị xã vẫn đang dạy học trực tuyến dù UBND thành phố đã cho phép học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã ngoại thành được đi học trở lại. Đặc biệt mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch tiếp tục đưa học sinh đến trường.
Cụ thể, khối lớp 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo sau khối 9 ở khu vực ngoại thành. Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2. Trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện là đầu tháng 12, có thể từ thứ hai tuần sau, ngày 6/12.
UBND TP. Hà Nội cho rằng, quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người 15 đến 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%. Trước đó, hơn 36.000 học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã đã trở lại trường an toàn, không ghi nhận ca mắc trong trường học. Kinh nghiệm quý giá để thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn có 21 quận, huyện vẫn triển khai dạy trực tuyến, truyền hình nhưng địa phương này cũng đã đề nghị thí điểm cho học sinh lớp 9, 12 ở vùng an toàn được đến trường học trực tiếp và trẻ mầm non được đi học trở lại. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang trình UBND kế hoạch cho học sinh lớp 9 và 12 tới trường từ ngày 10/12.
Trước đó, tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đến ngày 25/10 có 23/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh học trực tiếp gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn. Như vậy, sau hơn 1 tháng đã có 14 tỉnh/thành buộc phải chuyển hình thức dạy học do diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Sau 2 năm Covid-19 xuất hiện trong đời sống thì nhiều người lo ngại, nếu chúng ta cứ chờ đợi "Zero Covid" hoặc chờ đợi tiêm đủ vaccine Covid-19 cho toàn bộ trẻ em mới cho trẻ trở lại trường, thì trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ ở nhà hàng năm liền. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập, vui chơi của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về sức khỏe, tâm sinh lý.
NẾU KHỐNG CHẾ ĐƯỢC DỊCH, CÓ THỂ MỞ CỬA TRƯỜNG
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Bộ đã ban hành nhiều văn bản giúp địa phương triển khai hoạt động dạy học, giáo dục trong điều kiện dịch bệnh. Trong đó có công văn 4726 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Nếu các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Còn với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để quyết định tổ chức hình thức cho nghỉ học, hoặc dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...
Liên quan về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng việc cho học sinh quay trở lại trường học có nhiều yếu tố cần cân nhắc. Nhưng địa phương nào dần khống chế được dịch và tăng tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng cho cả người lớn và trẻ em thì có thể tính mở cửa trường học. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án, quy trình xử lý những sự cố phát sinh khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp. Ngành giáo dục cần tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trong trường học.
Riêng Hà Nội, qua trao đổi với báo chí ngày 29/11, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, việc đưa học sinh trở lại trường phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Quá trình thực hiện, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, phải cho dừng việc học trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Đồng thời chuẩn bị các phương án cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
Đề cập đến việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, việc mở cửa trường học là việc lớn và rất khó và được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh cũng như toàn xã hội. Do vậy, quyết định đưa ra phải chịu trách nhiệm cao trước nhân dân, trước cử tri và phụ huynh, học sinh. Thành phố phải bàn bạc, chuẩn bị thật kỹ sao cho thật sự an toàn, tránh mở ra rồi lại đóng.
Vì vậy, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố như các trường phải sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, phủ đầy đủ vaccine phòng Covid-19 cho giáo viên và học sinh theo độ tuổi quy định. Đặc biệt, phải có kịch bản, quy trình xử lý các tình huống xảy ra.