Các địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở bậc tiểu học; môn Nghệ thuật là Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp THPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông tin tại hội nghị cho biết, hầu hết tỉnh thành đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở bậc tiểu học; môn Nghệ thuật là Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp THPT. Ngoài ra, về lựa chọn sách giáo khoa, một số địa phương nhấn mạnh đến việc chưa thực hiện bố trí kinh phí, chế độ dành cho công tác này; không có giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật tham gia chọn sách giáo khoa… Có địa phương gặp khăn trong biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương…
Trước thực tế đưa ra tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh” vì vậy, Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm sao cho đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái…
Ngoài ra, Thứ trưởng còn cho rằng, “Địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh”.
Về lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng đề nghị phải thực hiện minh bạch, khách quan; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách; tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở để chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường. UBND cấp tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn sách giáo khoa theo đúng yêu cầu của Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, việc hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; xây dựng phương án tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục, nhất là các tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 và công bố công khai... cũng được Thứ trưởng nhắc đến.
Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Về phía các địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường... Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên là tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số…
Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, theo Bộ trưởng, tinh thần chung là cố gắng đảm bảo sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách.
Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học sách giáo khoa mới nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ GD&ĐT.