14:24 01/08/2021

Các nền kinh tế phương Tây thích nghi dần với Covid-19

Kiều Oanh

Kinh tế Mỹ và châu Âu đang dần học được cách sống chung với Covid-19…

Thanh niên Anh ăn mừng trong một câu lạc bộ đêm sau khi Chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống Covid-19 hôm 19/7 - Ảnh: Zuma/WSJ.
Thanh niên Anh ăn mừng trong một câu lạc bộ đêm sau khi Chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống Covid-19 hôm 19/7 - Ảnh: Zuma/WSJ.

Cứ sau mỗi làn sóng virus, ảnh hưởng kinh tế lại giảm đi so với đợt dịch trước. Vaccine chính là nhân tố quyết định khả năng chống chọi ngày càng tốt này, cho dù thế giới đang phải đương đầu với Delta - một biến chủng có khả năng lây lan cực nhanh của virus Sars-CoV-2.

Nhờ có vaccine, số ca nhập viện và tử vong do Covid giảm đi nhiều. Ở Anh, nơi 88% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, số ca nhiễm đã giảm nhanh trong những ngày gần đây và số ca tử vong cũng thấp hơn nhiều so với những đợt dịch trước. Điều này mở ra hy vọng rằng đại dịch sẽ xuống thang ở Anh, cho dù Thủ tướng Boris Johnson vào hôm 19/7 quyết định dỡ tung gần như tất cả các hạn chế chống dịch.  Bên cạnh đó, sự vững vàng kinh tế tăng lên sau mỗi đợt dịch cũng phản ánh khả năng thích ứng tốt của các chính phủ và doanh nghiệp.

VACCINE LÀ NHÂN TỐ TẠO KHÁC BIỆT

Các chính phủ ở Mỹ và châu Âu hiện tại đang tránh được việc phải áp lệnh phong toả mạnh tay vốn là một đặc trưng của phương pháp chống dịch ở các nước này trong làn sóng Covid đầu tiên vào năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách tin rằng dựa vào tiêm chủng, họ có thể đưa ra những lựa chọn khác mà cũng hiệu quả không kém phong toả. Doanh nghiệp cũng tìm ra những phương thức mới: các nhà máy tạo khoảng cách rộng hơn giữa công nhân trong lúc làm việc và bổ sung thêm ca kíp để giảm bớt lượng lao động cùng có mặt một lúc tại công xưởng; tăng năng suất của những người làm việc ở nhà…

 
Sự khác biệt của các nước giàu ở phương Tây trong câu chuyện Covid nằm ở việc bộ phận dễ tổn thương nhất trong dân chúng ở các nước này đã được tiêm vaccine.

“Giai đoạn này của đại dịch đã được quản lý tốt hơn, bởi chúng ta đã quen với Covid”, bà Katrin Sulzmann, người phát ngôn của Voith Group - một công ty Đức sản xuất máy làm giấy và thiết bị thuỷ điện - phát biểu. Trong vòng 6 tháng tính đến hết tháng ba năm nay, Voith nhận được lượng đơn hàng mới tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. “Đợt dịch đầu tiên là cú sốc đối với các doanh nghiệp. Lực lượng lao động phải làm việc từ xa và tất cả phải được điều chỉnh. Hạ tầng cần thiết giờ đã sẵn có rồi”, bà Sulzmann nói.

Phát biểu hôm 28/7 sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell không cho rằng số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ thời gian gần đây sẽ có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế. “Với những làn sóng Covid nối tiếp nhau trong năm qua và trong những tháng gần đây, có một xu hướng là ảnh hưởng kinh tế giảm đi sau mỗi làn sóng. Chúng tôi sẽ theo dõi xem xu hướng này có tiếp diễn với biến chủng Delta không, nhưng chắc chắn đó không phải là một kỳ vọng thiếu hợp lý”, ông Powell nói.

Những gì đang diễn ra ở các nền kinh tế phát triển phương Tây không phải là câu chuyện chung của cả thế giới. Tại phần lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính thành công trong việc kiểm soát làn sóng Covid-19 đầu tiên đã dẫn tới sự chậm trễ trong công tác tiêu chủng, và điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế trong khu vực dễ tổn thương hơn trước biến chủng Delta. Do vậy, các biện pháp hạn chế nhiều khả năng sẽ kéo dài tại khu vực này. Tại nhiều vùng của châu Phi, nơi mới có một tỷ lệ nhỏ được tiêm vaccine, phong toả đã được áp trở lại.

Sự khác biệt của các nước giàu ở phương Tây trong câu chuyện Covid nằm ở việc bộ phận dễ tổn thương nhất trong dân chúng ở các nước này đã được tiêm vaccine. Nhờ vaccine, làn sóng virus lần này không kéo theo sự gia tăng chóng mặt của số ca nhập viện – nguyên nhân dẫn tới các biện pháp phong toả ngặt nghèo ở giai đoạn đầu của đại dịch, khi các chính phủ lo ngại hệ thống y tế của nước mình sẽ “sập nguồn”.

“Tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, đang có một sự gián đoạn ngày càng lớn giữa số ca nhiễm Covid-19 tăng lên với số ca nhập viện và tử vong. Trong khi đó, ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, số ca nhiễm mới và số ca nhập viện/tử vong tăng gần như tương ứng”, nhà kinh tế học Vishwanath Tirupattur thuộc Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo.

Một phụ nữ đi tiêm vaccine Covid-19 ở Glasgow, Anh - Ảnh: Getty/WSJ.
Một phụ nữ đi tiêm vaccine Covid-19 ở Glasgow, Anh - Ảnh: Getty/WSJ.

Nhấn mạnh sự khác biệt giữa các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 27/7 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nhóm trước và hạ dự báo của nhóm sau. IMF giờ đây cho rằng các nước giàu, gồm Mỹ, Italy, Anh và Canada, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng năm 2021 cao hơn con số dự báo mà định chế này đưa ra hồi tháng tư.

Ngược lại, IMF cắt giảm triển vọng của Ấn Độ và 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2021 được IMF giữ nguyên so với báo cáo hồi tháng tư, ở mức 6%.

CÂU CHUYỆN CỦA ANH VÀ MỸ

Từ đầu đại dịch tới nay, nước Anh được xem là một thước đo hàng đầu về khả năng chống chọi với Covid-19 của các nước giàu. Nước này phong toả muộn trong đợt dịch đầu tiên và bị tấn công sớm bởi những biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn, ban đầu là biến chủng Alpha vào cuối năm ngoái rồi đến biến chủng Delta vào mùa xuân năm nay.

Mỗi làn sóng Covid đến sau ở Anh để lại hậu quả kinh tế nhỏ hơn so với làn sóng trước đó, và xu hướng này sau đó cũng được ghi nhận tại các nền kinh tế phát triển khác. Quý 2/2020, GDP của Anh giảm 56% (số liệu đã được hiệu chỉnh theo mùa để phản ánh biến động cả năm) do Chính phủ Anh áp lệnh phong toả nghiêm ngặt và kéo dài để chống chọi với đợt dịch đầu tiên. Cả năm 2020, kinh tế Anh có mức sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 300 năm.

Đợt phong toả thứ hai vào tháng một năm nay ngắn hơn và vẫn cho phép các nhà máy và doanh nghiệp khác duy trì hoạt động, miễn sao thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và quy trình phòng chống dịch đầy đủ. Kết quả, kinh tế Anh chỉ suy giảm 6% trong quý 1.

Mức nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế lớn nhất được IMF dành cho nước Anh, do đợt phong toả đầu năm nay có ảnh hưởng kinh tế tiêu cực ít hơn so với những gì IMF dự kiến -  một xu hướng được ghi nhận ở hầu hết các nước giàu. “Đã có một khả năng thích nghi lớn hơn với các hạn chế, và chúng tôi nhận thấy các hoạt động kinh tế trở lại một cách mạnh mẽ hơn so với những gì chúng tôi dự kiến”, bà Gopinath nhận định.

 
“Quan điểm của chúng tôi hiện nay là đợt dịch này sẽ không có ảnh hưởng lớn lên GDP hay tiêu dùng, nhưng biến chủng Delta vẫn là một nhân tố rủi ro”.
Chuyên gia kinh tế Ken Matheny, công ty dự báo và phân tích IHS Markit

IMF hiện dự báo kinh tế Anh tăng trưởng 7% trong 2021, so với mức dự báo tăng 5,3% mà định chế này đưa ra hồi tháng tư. Trái lại, dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ bị IMF hạ từ 12,5% về 9%, sau khi làn sóng biến chủng Delta càn quét ở quốc gia tỷ dân với tỷ lệ tiêm chủng cực thấp này.

Nhà kinh tế học cấp cao Kallum Pickering của Berenberg Bank ở London nói rằng những dữ liệu nhanh - như lượng khách đi ăn nhà hàng, đi mua sắm, lưu lượng giao thông, và số việc làm đăng tuyển - cho thấy “nhân tố sợ hãi” ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây suy giảm chóng mặt nền kinh tế Anh trong giai đoạn đầu của đại dịch, hiện đã yếu đi rất nhiều. Đây được xem là một hiệu ứng của chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng.

Số ca tử vong trong vòng 28 ngày sau khi dương tính Covid ở Anh bình quân 70 ca/ngày trong 7 ngày qua, so với con số khoảng 1.300 ca ở giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch trước vào tháng tư năm nay. Nếu tình hình Covid ở Anh tiếp tục có những dấu hiệu xuống thang, thì đó sẽ là tia hy vọng kinh tế cho phần còn lại của nhóm nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Tại Mỹ, các nhà phân tích đưa ra ba lý do chính để giải thích cho việc biến chủng Delta khó có thể đặt ra trở ngại lớn cho sự phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức cao và đang tăng của Mỹ giúp người dân nước này tiếp tục làm việc và chi tiêu, bất chấp số ca nhiễm mới. Thứ hai, ít có khả năng Mỹ phải quay lại với phong toả và đóng cửa doanh nghiệp. Và thứ ba, sự gia tăng số ca nhiễm mới ở Mỹ đến nay tập trung ở một số bang, hạn chế ảnh hưởng kinh tế toàn quốc.

Người Mỹ ăn uống thoải mái trong một nhà hàng ở Tampa, Florida, Mỹ, sau khi tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đạt mức cao - Ảnh:  Zuma/WSJ.
Người Mỹ ăn uống thoải mái trong một nhà hàng ở Tampa, Florida, Mỹ, sau khi tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đạt mức cao - Ảnh:  Zuma/WSJ.

Bốn bang Florida, Louisiana, Arkansas và Missouri chiếm chưa đầy 9% sản lượng kinh tế Mỹ nhưng chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm bình quân hàng ngày trong tuần trước. Đến nay, khoảng 69% dân số trưởng thành của Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

“Quan điểm của chúng tôi hiện nay là đợt dịch này sẽ không có ảnh hưởng lớn lên GDP hay tiêu dùng, nhưng biến chủng Delta vẫn là một nhân tố rủi ro”, ông Ken Matheny, chuyên gia kinh tế thuộc công ty dự báo và phân tích IHS Markit, nhận định về kinh tế Mỹ.