09:06 16/03/2023

Các thương hiệu thời trang “nghĩ lại” về khả năng hợp tác với Trung Quốc

Minh Nguyệt

Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng việc chuyển hoạt động sản xuất dệt may hàng loạt đánh dấu sự đảo ngược tình trạng thuê gia công ở một khu vực đã thống trị chuỗi cung ứng dệt may trong nhiều năm…

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Vì nhiều lý do, "tình yêu" của các thương hiệu thời trang phương Tây dành cho Trung Quốc đang dần phai nhạt. "Đối với nhiều doanh nghiệp, đã qua rồi cái thời chỉ sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển đi khắp nơi. Sự gián đoạn trong 3 năm đại dịch đã làm tăng chi phí vận chuyển thành phẩm, dẫn tới nhu cầu sản xuất ở các quốc gia khác để có được sự ổn định hơn", báo Financial Times dẫn lời ông Todd Simms, phó chủ tịch của nền tảng thông tin chuỗi cung ứng FourKites.

CÁC DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU BẮT ĐẦU “RỤC RỊCH”

Ông Dieter Holzer, cựu Giám đốc điều hành và là thành viên hội đồng quản trị của Marc O'Polo cho biết thương hiệu thời trang Thuỵ Điển - Đức đã bắt đầu chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc đến các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha vào năm 2021. Ông cho biết quyết định này nhằm cân bằng và loại bỏ rủi ro khỏi chuỗi cung ứng và đảm bảo tính bền vững. “Tôi nghĩ rằng nhiều công ty trong toàn ngành cũng đang xem xét lại khả năng hợp tác của mình với Trung Quốc,” ông nói.

Những tên tuổi lớn như Mango và Dr Martens gần đây cũng đã cắt giảm hoặc báo hiệu ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc Đông Nam Á. Tháng 11/2022, Giám đốc điều hành của Dr Martens là Kenny Wilson cho biết: “Bản chất của những hành động này là để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không ai muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ cả”. Nhà sản xuất giày và boot này cho biết chỉ có 12% sản lượng của bộ sưu tập Thu - Đông 2022 vừa qua đã được sản xuất tại Trung Quốc so với 27% vào năm 2020 và ước tính con số này sẽ giảm xuống 5% trong năm nay.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục kể từ khi đại dịch bùng phát đã dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hoá tăng vọt cũng như làm chậm trễ đáng kể quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, các động lực tài chính để ở lại Trung Quốc đang giảm dần khi tiền lương trả cho người lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng lên sau nhiều năm sử dụng lao động giá rẻ. Trước đây, lao động giá rẻ là yếu tố quan trọng để các thương hiệu thời trang phương Tây tìm tới những nơi xa xôi như Trung Quốc để thuê sản xuất.

Một số thương hiệu thời trang và giày dép đã cắt giảm hoặc báo hiệu ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Một số thương hiệu thời trang và giày dép đã cắt giảm hoặc báo hiệu ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, mức lương trung bình tại nhà máy đã tăng gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2021, từ 46.000 nhân dân tệ/năm (6.689 USD) lên 92.000 nhân dân tệ. Ông Jose Calamonte, Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Asos đã nói với các nhà đầu tư tại buổi trình bày kết quả cả năm của công ty vào năm ngoái rằng các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc không có tính cạnh tranh so với châu Âu sau khi tính cả chi phí vận chuyển và quá trình vận chuyển.

Do xu hướng thời trang và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, các nhà bán lẻ quần áo châu Âu đang nỗ lực cắt giảm thời gian giao hàng. Đó là một lý do khác khiến họ quyết định chọn các nhà cung cấp gần “nhà” hơn. Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang được đánh giá cao khi nhiều nước phương Tây chuyển đến để tiếp tục hoạt động sản xuất, đặc biệt là vì nước này là một phần của liên minh thuế quan EU nên thương mại không có rào cản giữa các quốc gia thành viên.

NHƯNG DOANH NGHIỆP MỸ VẪN CÒN LƯỠNG LỰ

Khi thành lập công ty thời trang thể thao Actively Black có trụ sở ở Los Angeles năm 2020, ông Lanny Smith đã thuê các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất. Nhưng trong năm ngoái, lo ngại về sự chậm trễ sản xuất do “zero Covid-19” ở Trung Quốc, ông Smith đã tìm cách gia công sản xuất ở nơi khác. Ông đã gửi hàng mẫu cho một chuyên gia môi giới chuỗi cung ứng, người đã đảm bảo rằng sẽ có những lựa chọn thay thế ở châu Mỹ Latin. Nhưng sau đó, người môi giới báo lại rằng sẽ không công ty nào Tây bán cầu có thể thay thế các nhà máy ở Trung Quốc.

Đối với các công ty Mỹ như Actively Black, việc mua hàng từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây do thuế quan tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhà máy đóng cửa cũng như căng thẳng địa chính trị Mỹ -Trung gia tăng. Tuy nhiên, có rất ít nhà máy bên ngoài Trung Quốc có máy móc hoặc lực lượng lao động lành nghề để may đường may phẳng sử dụng sáu kim, cần thiết cho các trang phục như áo ngực và quần short thể thao không làm xước da của Actively Black.

Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã chi hàng trăm tỉ đô la để trở thành trung tâm sản xuất dệt may hàng đầu thế giới. Các nhà máy ở đây có máy móc hiện đại và chuyên môn cần thiết để sản xuất sản phẩm chất lượng với khối lượng và tốc độ khó có nơi nào sánh kịp. Các nhà máy nằm dọc theo đoạn đường dài hơn 100 km từ Thâm Quyến đến Quảng Châu có thể dệt, nhuộm, may, cắt, dán nhãn và đóng gói bất cứ thứ gì từ áo phông đến áo vest tuxedo. Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào đường cao tốc, đường sắt, trung tâm hàng không và cảng biển đã tạo ra một con đường thông suốt từ cổng nhà máy đến người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Đối với công ty Actively Black, việc mua hàng từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây do thuế quan tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Đối với công ty Actively Black, việc mua hàng từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây do thuế quan tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Haggar Clothing Co., công ty sản xuất quần tây nam giới hàng đầu ở Mỹ, giờ đây chỉ gia công sản xuất một tỷ lệ nhỏ các sản phẩm tại Trung Quốc, nhưng khoảng 20% nguyên liệu thô của công ty vẫn đến từ nước này. Tonny Anzovin, Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng của Haggar, nói: “Trung Quốc vẫn là đầu tàu về vải vóc và nguyên phụ liệu. Do đó các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy khó mà rút lui hoàn toàn khỏi Trung Quốc vì các nhà cung cấp ở đây làm rất tốt. Chuyên môn và thiết bị đều có sẵn”.

Theo Bloomberg, sự chi phối của một số nhà cung cấp Trung Quốc có thể gây khó khăn cho nỗ lực tìm giải pháp thay thế của các doanh nghiệp thời trang Mỹ cũng như châu Âu. Theo Công ty nghiên cứu Altana Technologies, Tập đoàn dệt may Texhong International Group của Trung Quốc và hàng chục công ty con chiếm gần 2/3 thương mại toàn cầu đối với một số loại nguyên liệu vải cotton-spandex. Nhiều công ty dệt may của Trung Quốc còn thành lập công ty con ở nước ngoài để đa dạng hóa sản xuất của chính họ và hưởng lợi từ chi phí lao động thấp hơn.

Dù vậy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫn đang cố gắng thúc đẩy ngành thời trang Mỹ đầu tư vào khu vực Trung Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tạo việc làm, giúp ngăn chặn dòng di cư từ khu vực này sang Mỹ. Nhà Trắng cho biết những nỗ lực của bà đã mang lại hơn 4 tỷ đô la cam kết đầu tư. Công ty thời trang Columbia Sportswear, có trụ sở ở bang Oregon, đã cam kết mua tới 200 triệu đô la sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Mỹ trong vòng 5 năm tới.