Các tỷ phú xa xỉ đã “tụt hạng” trong Top 100 người giàu nhất thế giới
Francois Pinault, người sáng lập tập đoàn Kering SA, đã không còn nằm trong danh sách Top 100 người giàu nhất thế giới khi con trai ông đang phải vật lộn để vực dậy Gucci - thương hiệu lớn nhất của tập đoàn xa xỉ Pháp này...
Ông Pinault, 88 tuổi, đã tụt xuống vị trí thứ 105 trong Bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg, lần đầu tiên ông rời khỏi top 1/5 trong bảng xếp hạng 500 người, kể từ khi tên ông được thêm vào cách đây 12 năm. Tính đến ngày 21/11, tài sản của ông giảm 2/3 so với mức cao nhất hồi tháng 8/2021, xuống còn 20,3 tỷ USD. Đây là mức giảm lớn nhất so với những tỷ phú vẫn còn trụ vững trong danh sách trên. Ở thời kỳ đỉnh cao, tỷ phú này xếp ở vị trí thứ 22 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Sự thâm hụt tài sản của tỷ phú Pinault là điều đáng chú ý trong bối cảnh ngành hàng xa xỉ nói chung đang suy giảm, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc đối với các mặt hàng cao cấp như quần áo thiết kế, rượu vang hảo hạng và mỹ phẩm.
Tương tự, tỷ phú Bernard Arnault, người sáng lập ra tập đoàn xa xỉ đối thủ của Kering - LVMH, cũng đã tụt từ vị trí đầu bảng xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, nữ doanh nhân Francoise Bettencourt Meyers, người thừa kế tài sản của tập đoàn sản phẩm làm đẹp L'Oreal SA, đã tụt xuống vị trí thứ 21 sau một thời gian dài giữ ngôi vị người phụ nữ giàu nhất thế giới.
Theo Business of Fashion, sự suy giảm tài sản của gia đình Pinault diễn ra trong khi Kering nằm dưới sự giám sát của con trai ông, Francois-Henri Pinault, 62 tuổi, người đã nắm quyền điều hành gần hai thập kỷ trước và đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung đế chế này từ một hỗn hợp các tài sản bán lẻ thành tập đoàn xa xỉ phẩm. Gia tộc Pinault nắm giữ 42% cổ phần và 59% quyền biểu quyết tại Kering có trụ sở tại Paris, công ty có cổ phiếu đã giảm gần một nửa trong năm nay.
Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ của ông Francois-Henri, Kering vẫn phụ thuộc phần lớn vào thương hiệu Gucci, dù tập đoàn còn có các thương hiệu khác bao gồm Yves Saint Laurent, Bottega Veneta và Balenciaga. Ông này đã cam kết sẽ vực dậy Gucci, nhưng cảnh báo doanh số tháng trước trong báo cáo quý là cảnh báo thứ ba trong năm 2024 của Kering. “Lợi nhuận hàng năm trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 trong bối cảnh Gucci chịu tác động quá lớn từ các nhu cầu thị trường, đặc biệt là ở châu Á”, công ty cho biết.
Trước bối cảnh doanh thu giảm, thương hiệu thời trang Gucci thông báo sẽ không còn tổ chức các sàn diễn riêng biệt cho lĩnh vực thời trang nam và nữ. Thay vào đó, lịch trình sàn diễn năm 2025 sẽ chỉ gồm 3 show diễn hợp nhất, với màn mở đầu dự kiến diễn ra tại Tuần lễ Thời trang Milan vào tháng 2.
Giám đốc sáng tạo Sabato De Sarno của Gucci cho biết, quyết định này không chỉ phù hợp về mặt tài chính mà còn thể hiện rõ triết lý thời trang của nhãn hàng. Theo đó, 3 show diễn trong năm 2025 sẽ là những show hợp nhất giữa bộ sưu tập nam và nữ. Cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy sự giao thoa giữa các phong cách mà còn giúp tối ưu hóa nguồn lực và ngân sách, khẳng định cam kết đổi mới trong cả sáng tạo lẫn vận hành.
Ông “Pinault con”, hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Kering, cho biết trong một lá thư gửi các cổ đông vào tháng 9: "Chúng tôi đang làm việc không biết mệt mỏi để tạo đà cho sự tăng trưởng trở lại". Cả ông và cha ông đều là đối tác quản lý của Groupe Artemis, công ty mẹ của gia đình với tổng tài sản hợp nhất khoảng 40 tỷ euro (42 tỷ USD), theo trang web của công ty.
Nhận định về tình hình kinh doanh của ngành công nghiệp hàng xa xỉ, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng, hiện nay Gucci hay Burberry và một số các thương hiệu cao cấp khác đều đang gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
Tại buổi thuyết trình ở Milan về nghiên cứu thị trường xa xỉ toàn cầu hàng năm của công ty tư vấn Bain & Co., hợp tác với Altagamma Foundation – hiệp hội các thương hiệu xa xỉ hàng đầu của Ý, vừa qua, ông chủ của tập đoàn Prada là Andrea Guerra đã chỉ trích gay gắt chiến lược định giá những năm gần đây của ngành. Ông Guerra cho biết việc tăng giá hàng hóa xa xỉ đến mức ngất ngưởng trong những năm gần đây là một sai lầm lớn.
“Đây là thất bại lớn nhất của chúng ta, bởi vì khi làm như vậy, chúng ta đã phản bội người tiêu dùng – giá trị của sản phẩm để họ cảm nhận được lại không được phản ánh trong mức giá của nó. Chúng ta sẽ không thể vượt qua khó khăn của thị trường bằng cách tăng hoặc giảm giá, mà phải bằng cách cung cấp các sản phẩm độc nhất vô nhị, đồng thời kể những câu chuyện chân thực và đáng tin cậy. Trong các cửa hàng, các nhãn hiệu xa xỉ cần phải hấp dẫn và độc đáo”, ông Guerra nói.
Năm 2024 cho đến nay là một năm có nhiều thay đổi lớn đối với thị trường xa xỉ trên toàn thế giới. Tổng doanh số bán hàng của ngành là 1,478 nghìn tỷ euro, giảm 2% so với mức 1,5 nghìn tỷ euro được ghi nhận vào năm 2023. Doanh thu chỉ riêng phân khúc hàng hóa xa xỉ, bao gồm thời trang, đồ da, trang sức, đồng hồ và các sản phẩm làm đẹp, ngang bằng với năm ngoái, ở mức 363 tỷ euro, sau khi tăng 22% vào năm 2022.
Ngoài quá trình “bình thường hóa” được dự đoán sẽ xảy ra sau sự bùng nổ doanh số bán hàng hậu đại dịch, có vẻ như người tiêu dùng đã không phản ứng với các chính sách tăng giá do các nhãn hiệu xa xỉ đưa ra như cách chúng ta tưởng tượng. “Chiến lược tái định vị các nhãn hiệu hướng tới phân khúc cao cấp nhất của thị trường rõ ràng đã góp phần làm chậm lại sự tăng trưởng chung toàn ngành”, Claudia D’Arpizio, đối tác của Bain & Co. và đồng tác giả của cuộc nghiên cứu cho biết.
“Do lạm phát, ngành công nghiệp đã tăng mạnh giá các sản phẩm có giá trị nhất của mình, mà còn cả giá sản phẩm ở phân khúc bình dân. Điều này cũng khiến việc tiếp cận của người tiêu dùng với các cửa hàng trở nên phức tạp hơn. Những lần mua sắm xa xỉ giờ đây thường chỉ theo lịch hẹn”, D’Arpizio nhận xét. “Ngay cả những người rất giàu cũng bắt đầu thấy phi lý với mức giá quá cao do ngành này đặt ra”.
Theo nghiên cứu của Bain & Co., hiệu ứng giá chủ yếu gây ra 2 hậu quả tai hại. Bằng cách tăng mạnh giá sản phẩm của họ, các nhãn hiệu xa xỉ đã giảm lượng sản xuất tương ứng. Điều này đã có tác động đến chuỗi cung ứng và ngành dệt may, với sản lượng giảm từ 20% đến 25% từ năm 2022 đến năm 2024. Thứ hai, chính sách giá cao của ngành trong hai năm qua dẫn đến sự rời bỏ của 50 triệu người tiêu dùng cao cấp, trong tổng số 400 triệu người trên toàn thế giới. Do đó, 45% doanh thu toàn cầu của thị trường hàng hóa xa xỉ hiện được tạo ra bởi 2% khách hàng siêu giàu (VIC).
“Nếu chúng ta loại bỏ các danh mục làm đẹp và kính mắt - là những danh mục tiếp tục phát triển mạnh, thì chúng ta đang chứng kiến một sự sụp đổ thực sự sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ ngành hàng xa xỉ”, Federica Levato, tác giả khác của nghiên cứu cho biết.