09:50 12/02/2025

Cách tăng cường sức đề kháng "chống dịch" cúm mùa

Mỹ An

Từ chế độ dinh dưỡng khoa học cho đến các biện pháp phòng ngừa đơn giản, bạn hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước dịch cúm mùa…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời tiết giao mùa, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, tạo điều kiện cho virus cúm tấn công. Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, bệnh lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các triệu chứng thường gặp của cúm mùa bao gồm sốt, ho, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ thể và mệt mỏi.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao khiến cộng đồng thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch với hàng chục ca mắc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3 - 5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, cúm mùa lưu hành quanh năm, với đỉnh điểm thường vào mùa đông xuân và mùa mưa. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi mắc cúm A. Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý nền.

Cách tăng cường sức đề kháng "chống dịch" cúm mùa  - Ảnh 1

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2025 ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám.  Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.

Trong lúc này, việc tăng cường sức đề kháng trở thành một ưu tiên hàng đầu trong phòng chống dịch cúm mùa. Vậy làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, phòng tránh cúm mùa hiệu quả? Từ chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung vitamin và khoáng chất, đến thói quen sinh hoạt lành mạnh và các biện pháp phòng ngừa đơn giản, bạn hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước virus cúm và các bệnh nhiễm trùng khác.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CÂN BẰNG

Thức ăn là yếu tố rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng. Vì vậy, bạn không nên bỏ bữa, và hãy đặt mục tiêu tiêu thụ ăn nhiều rau và hoa quả mỗi ngày để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa hệ miễn dịch thêm khỏe mạnh.

Cách tăng cường sức đề kháng "chống dịch" cúm mùa  - Ảnh 2

Các dưỡng chất hỗ trợ miễn dịch tốt bao gồm:

Beta-carotene: Có nhiều trong khoai lang, rau bina, cà rốt, xoài, bông cải xanh và cà chua.

Vitamin C: Có nhiều trong cam, quýt, dâu tây, dưa lưới, cà chua, ớt chuông và bông cải xanh.

Vitamin D: Có nhiều trong cá béo, trứng, sữa và nước ép trái cây 100% có bổ sung vitamin D.

Kẽm: Hấp thụ tốt nhất từ thịt bò và hải sản, nhưng cũng có trong mầm lúa mì, đậu, các loại hạt và đậu phụ.

Probiotics: Là lợi khuẩn có lợi cho đường ruột, có trong sữa chua, kefir và kim chi.

Protein: Có trong sữa, sữa chua, trứng, thịt bò, gà, hải sản, các loại hạt, đậu và đậu lăng.

Việc bổ sung các dưỡng chất này thông qua thực phẩm luôn được ưu tiên hơn so với việc dùng thực phẩm chức năng hay thuốc bổ sung. Nếu bạn muốn sử dụng các sản phẩm thảo dược để phòng hoặc rút ngắn thời gian bị cảm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Đồng thời, đừng quên bổ sung nước. Hãy uống đủ 2 lít nước trong suốt cả ngày, và nước lọc luôn là lựa chọn tốt nhất.

Nếu bạn ngờ rằng chế độ ăn uống của mình chưa cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng - chẳng hạn như bạn không thích ăn rau - thì việc bổ sung vitamin và khoáng chất tổng hợp hàng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, không chỉ riêng đối với hệ miễn dịch. Tuy nhiên, không nên lạm dụng một loại vitamin với liều lượng quá cao, vì nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn.  

MÓN ĂN NHẸ BỔ DƯỠNG

Trong thời kỳ cổ đại ở Trung Quốc, súp gà không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn được coi như một vị thuốc quý. Theo nghiên cứu trong cuốn sách cổ “Hoàng Đế Nội Kinh”, súp gà thuộc loại thực phẩm nhiệt, nghĩa là giúp làm ấm cơ thể. Những loại thảo dược được thêm vào súp có khả năng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh.

Cách tăng cường sức đề kháng "chống dịch" cúm mùa  - Ảnh 3

Cách chế biến súp gà rất dễ dàng: chuẩn bị 1 con gà ta, 1 củ cà rốt, 1 củ khoai tây và 1 củ hành tây. Luộc gà cho chín, xé thịt và dùng nước luộc để nấu súp. Cà rốt, khoai tây cắt hạt lựu, hành tây thái nhỏ, rồi cho tất cả nguyên liệu vào nồi nước luộc gà, nêm nếm vừa ăn.

Tương tự, hạnh nhân đã nổi tiếng với khả năng trị ho, điều trị hen suyễn và tiêu đờm hiệu quả. Cháo hạnh nhân không chỉ là một món ăn ngon mà còn giúp nâng cao sức khỏe và có tác dụng phòng cúm. Để nấu cháo hạnh nhân, bạn cần 50g gạo tẻ và 10g hạnh nhân. Rửa sạch gạo và nấu thành cháo, khi cháo chín, cho hạnh nhân đã xay vào và nêm nếm cho vừa khẩu vị.

Tía tô được trồng rất nhiều ở các nước châu Á. Ở Việt Nam, đây cũng là loại rau gia vị phổ biến, được trồng ở nhiều tỉnh thành và là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Một số chất dinh dưỡng có trong lá tía tô như các loại vitamin, Omega-3, canxi, kali, chất chống oxy hóa và vitamin, flavonoid... có tác dụng trong việc điều trị bệnh và làm đẹp.

Để thanh nhiệt, mát gan, giải độc, tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, các gia đình có thể đun 30 gram lá tía tô, 2 củ sả, 10ml mật ong với 150ml nước. Cho củ sả vào đun sôi 3 phút, rồi cho lá tía tô đun sôi thêm 2 phút, rót ra cốc, cho mật ong vào khuấy đều, uống ấm. Ngày uống 1 - 2 lần, vào các thời điểm trước bữa ăn sáng 15 - 30 phút, trước 2 bữa chính khoảng 10 - 20 phút hoặc uống trước khi đi ngủ 60 phút. 

Cách tăng cường sức đề kháng "chống dịch" cúm mùa  - Ảnh 4

GIỮ GÌN VỆ SINH, SINH HOẠT ĐIỀU ĐỘ

Duy trì vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Đeo khẩu trang khi ở trong môi trường công cộng, và rửa tay sạch sẽ sau khi về nhà. Dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa thường xuyên để tránh tích tụ vi khuẩn. Cố gắng mở cửa sổ những lúc có thể để không khí thoáng đãng, được lưu thông tốt.

Ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng cũng quan trọng không kém chế độ ăn uống lành mạnh trong việc phòng ngừa cúm. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất cũng là một cách hữu ích để kiểm soát căng thẳng, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vận động thường xuyên sẽ giúp tăng sức bền và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.