11:16 29/09/2022

Cải cách hành chính cần như đi "đường tắt" thay vì “đường vòng”

Đỗ Như

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 và công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Năm 2021: Bộ Tư pháp đứng đầu các bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Năm 2021: Bộ Tư pháp đứng đầu các bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo báo cáo, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2021 đạt 91.90/100 điểm, xếp thứ 1/17 bộ. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì trong nhóm 3 bộ dẫn đầu về chỉ số CCHC cấp bộ. Sau 10 năm thực hiện, Bộ Tư pháp trở lại vị trí đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

QUÁN QUÂN VỀ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tổng giá trị điểm số của Bộ Tư pháp đều tăng đối với điểm chấm qua thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Phân tích 7 lĩnh vực đánh giá chỉ số cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục là lĩnh vực được đánh giá cao nhất của Bộ Tư pháp như các năm trước. 

Bốn lĩnh vực: Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công của Bộ Tư pháp đều được xếp hạng thuộc nhóm 3 bộ dẫn đầu về chỉ số cụ thể trong từng lĩnh vực.

Ngoài ra, trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2021, Bộ Tư pháp cũng đạt chỉ số điểm cao, xếp thứ 3/17 bộ ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả đó tiếp tục phản ánh sự nhìn nhận, ủng hộ của lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp, của các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Tư pháp.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHƯ ĐI “ĐƯỜNG TẮT”

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Đỗ Quý Tiến kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất các nội dung cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Tư pháp tiếp tục tham gia với Bộ Nội vụ trong thành phần ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực với các bộ liên quan trong việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục Thi hành án dân sự - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục Thi hành án dân sự - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, Cục Bổ trợ tư pháp luôn hoàn thành công tác cải cách hành chính, không bị người dân khiếu nại, nhất là liên quan đến các thủ tục cấp phép chứng chỉ hành nghề như công chứng, luật sư, đấu giá…

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai cho biết việc thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề cũng còn gặp một số khó khăn khi người khai hồ sơ không trung thực. 

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ví von cải cách hành chính như việc đi "đường tắt" thay vì "đường vòng" để công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Muốn vậy, cần quy định rõ các thủ tục hành chính ngay trong luật để thuận tiện cho người dân, cho cơ quan Nhà nước và cán bộ xử lý công việc. Mọi người cứ "soi" vào đó mà làm.

Trong lĩnh vực này, Tổng cục Thi hành án dân sự đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia tại Tổng cục với 5 quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn và 3 quy trình giải quyết tố tụng hành chính.

Thực hiện quyết định của Bộ Tư pháp về công bố Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO cho cơ quan THADS, đã có 63/63 Cục Thi hành án dân sự ban hành Hệ thống quản lý chất lượng tại Cục và tiếp tục triển khai tại các Chi cục. 

Việc ban hành và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng trong giải quyết thủ tục hành chính đã góp phần đẩy mạnh công khai, minh bạch thực hiện các quy trình, thủ tục về thi hành án dân sự hiện nay.

TIẾP TỤC XÁC ĐỊNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ và ngành tư pháp, các đơn vị, nhất là các đơn vị xây dựng pháp luật chủ động thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện quy định có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Trước mắt, các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ, đề xuất Quốc hội ban hành các văn bản tháo gỡ "điểm nghẽn" đang là rào cản đối với phát triển kinh tế  - xã hội như: Giải ngân vốn đầu tư công; thể chế trong thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tham gia hiệu quả vào cải cách thể chế pháp luật trong lĩnh vực đất đai...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh lưu ý các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục xác định thực hiện cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên. Hàng năm cần xây dựng kế hoạch thực hiện và tổng kết, đánh giá, đề xuất các giải pháp cụ thể theo phương châm: Sáng tạo, đổi mới, hiệu quả; gắn công tác đánh giá, xếp hạng thi đua, khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị; coi đây là nhiệm vụ kép có ý nghĩa nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ; khai thác tối đa lợi ích của văn bản điện tử, chữ ký số và tổ chức cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến; nâng cao chất lượng các dịch vụ công của Bộ Tư pháp; hoàn thành việc kết nối 100% dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ.