Cải cách thể chế: “Nước đến chân rồi”
Đây là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thể chế tại Việt Nam
“Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” là chủ đề được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chọn cho Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân sẽ diễn ra vào ngày 28 và 29/4 tới đây tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Một trong những nội dung sẽ được tập trung thảo luận là giải pháp để tháo gỡ những nút thắt thể chế đang cản trở sự vận động của các quy luật khách quan và phổ quát trong nền kinh tế thị trường.
Trao đổi với VnEconomy trước thềm diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thể chế tại Việt Nam. Và những kiến nghị từ diễn đàn sẽ là các hành động cụ thể góp phần gỡ các nút thắt thể chế.
Chưa có đột phá
Cải cách thể chế nói chung và thể chế kinh tế đang là một vấn đề rất thời sự, không chỉ ở diễn đàn Quốc hội. Việc lựa chọn chủ đề diễn đàn lần này có vẻ rất “hợp thời” và cũng là sự nối mạch từ các diễn đàn của các năm trước. Nhưng trong bổi cảnh cải cách thể chế mới bắt đầu được “khởi động” lại thì tại sao diễn đàn không đặt vấn đề động lực cho cải cách thể chế mà lại là động lực phát triển mới từ cải cách thể chế, thưa ông?
Trước hết xin được nhấn mạnh không phải bây giờ vấn đề cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế kinh tế nói riêng mới được đặt ra.
Nhìn lại gần 30 năm qua, từ Đại hội 6 của Đảng đến nay, những bước phát triển ấn tượng của Việt Nam đều gắn với những đổi mới có tính quyết định về thể chế.
Riêng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì từ 2008 Trung ương đã có nghị quyết chuyên đề, sau đó được Đại hội 11 xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Song, quá trình triển khai từ đó đến nay thì không thể nói là đã có đột phá và mang lại kết quả như mong muốn, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.
Hiện nay, việc tổng kết 30 năm đổi mới đang được tiến hành, trong đó có nội dung về cải cách thể chế kinh tế. Nhiều cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đang tập trung nghiên cứu xoay quanh nội dung này.
Trở lại câu hỏi của bạn, tôi thấy động lực để cải cách thể chế đã rất rõ ràng.
Nhận thức, tư duy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đều thấy nguồn gốc của mọi vấn đề là thể chế, đó là động lực thứ nhất để cải cách.
Thứ hai, bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013 có hiệu lực từ 1/1/2014 đã đặt nền tảng và yêu cầu rất mạnh mẽ về cải cách thể chế đồng bộ cả chính trị và kinh tế.
Thứ ba, trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, những năm gần đây, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc có nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là lúc Việt Nam cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.
Động lực mới từ cải cách thể chế là nhận thức chung hiện nay, và cũng là lý do để Ủy ban Kinh tế lựa chọn chủ đề cho diễn đàn lần này.
Ông có nhắc đến Hiến pháp như một trong ba động lực để cải cách thể chế. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn về không gian cho cải cách thể chế kinh tế của bản Hiến pháp này. Vậy theo ông những hiến định nào sẽ thúc đẩy quá trình cải cách?
Tuy vẫn còn có những ý kiến khác về dư địa cho đổi mới thể chế của Hiến pháp, đặc biệt có ý kiến cho rằng là hiến định về sở hữu toàn dân và kinh tế nhà nước chưa thực sự tạo động lực để cải cách. Chúng ta cần tôn trọng các ý kiến khác... Nhưng cần hiểu Hiến pháp một cách hệ thống, ngay cả những điều nói về kinh tế nhà nước hay sở hữu toàn dân cũng phải hiểu theo tinh thần mới, trong bối cảnh mới.
Đừng hiểu về kinh tế nhà nước như cũ, nghĩa là anh lấn át hết khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế nhà nước ở đây không đồng nhất với quốc doanh, với doanh nghiệp nhà nước. Hiến pháp cũng hiến định chính xác và hợp lý hơn về sở hữu toàn dân, đồng thời Hiến pháp bảo đảm quyền sử dụng, khai thác, hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên được coi là quyền sinh tồn của người dân. Vai trò, chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường cũng đã dược hiến định đúng đắn hơn, nguyên tắc phân quyền trong quản lý cũng đã được bổ sung.
Tóm lại là Hiến pháp có nhiều điểm mới, là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế. Điều quan trọng là việc tổ chức thực thi Hiến pháp như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó.
Cách tiếp cận mới
Như ông đã nói ở trên, cải cách thể chế là vấn đề xuất hiện khá dày đặc không chỉ ở hội thảo, hội nghị mà còn cả các công trình nghiên cứu đã và đang được tiến hành. Vậy diễn đàn có gì khác biệt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề?
Hiện nay cách hiểu về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn khác nhau. Ngay cả quan niệm về thể chế, cải cách thể chế là cải cách cái gì cũng còn chưa hoàn toàn thống nhất. Còn có sự lẫn lộn giữa thị trường và thể chế kinh tế thị trường. Nếu không thống nhất về cách hiểu cho dù ở mức tương đối thì khó xác định được phạm vi và đối tượng cải cách.
Bởi vậy, tại diễn đàn sẽ thảo luận và làm rõ yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận mới về kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường. Từ đó xây dựng nguyên tắc và nội dung cơ bản về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với thời gian có hạn, chúng tôi đã thống nhất với các chuyên gia là không nặng về lý thuyết mà sẽ “tấn công” thẳng vào các nút thắt thể chế và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để tháo gỡ và tạo ra các “động lực thể chế” cho phát triển để làm sao sau Diễn đàn sẽ có một số kiến nghị cụ thể, “gạch đầu dòng” các hành động cần làm và “có thể làm được” để cải cách thể chế không còn chỉ là thông điệp, nghị quyết mà đi vào thực tế cuộc sống.
Theo đó các tham luận tiếp theo sẽ trình bày nhận thức mới về vai trò nhà nước và kinh tế nhà nước gắn với sở hữu toàn dân trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Những vấn đề mới đặt ra đối với cải cách thể chế kinh tế trong quá trình hội nhập cũng là nội dung được thảo luận. Một số tham luận sẽ định lượng tác động của những nút thắt thể chế liên quan đến môi trường kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cạnh tranh bình đẳng. Từ đó, đề xuất một số khuyến nghị đổi mới môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp.
Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các đề xuất hoàn thiện thể chế xác định giá theo cơ chế thị trường cho các thị trường hàng hóa cơ bản trên cơ sở các nghiên cứu thực trạng hiện nay của vấn đề này.
Đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích tạo động lực cho phát triển cũng sẽ có những đáp án mới, từ tranh luận mở tại diễn đàn.
Ở một số diễn đàn trước bạn cũng đã từng nghe chuyên gia lo ngại các nhóm lợi ích đang cản trở cải cảch thể chế. Song, lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích nhóm theo nghĩa tiêu cực mà rộng hơn là những năm qua lợi ích rơi vào khu vực không phải kinh tế thực. Như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng… còn khu vực kinh tế thực bao gồm các ngành sản xuất, chế tạo, cơ khí… thì phát triển èo uột, đó thực sự là sự cản trở rất lớn đối với phát triển kinh tế.
Vậy theo ông thì sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực và lợi ích có quá khó để khắc phục trong bối cảnh hiện tại không?
Giờ nước đến chân rồi, không thể không làm! Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không khắc phục được sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực và lợi ích nghĩa là không ai đầu tư vào nền kinh tế thực thì làm sao có công nghiệp hóa được.
Đâu phải vô cớ mà có lời cảnh báo coi chừng Việt Nam còn thua cả Campuchia khi họ sản xuất được ôtô rồi còn ta nhập cả ốc vít. Như vậy có nghĩa là đòi hỏi phải có điều chỉnh ở tầm vĩ mô, không thể tập trung mãi vào khu vực kinh tế ảo được, dù nó quan trọng nhưng nó phải làm đúng chức năng của nó chứ không thể lấn át lợi ích của khu vực kinh tế thực như những năm qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một người rất tâm huyết với cải cách thể chế kinh tế, đã từng nói một người nói có thể không ai nghe. Song nhiều chuyên gia cùng hiến kế thì đất nước sẽ đổi mới. “Thương hiệu” các diễn đàn kinh tế mùa xuân và mùa thu của Ủy ban Kinh tế được xây dựng bởi chính sức nặng từ các ý kiến của nhiều vị chuyên gia. Nhiều kiến nghị từ các diễn đàn này cũng được đánh giá rất cao. Theo ông, các kiến nghị đó đã thực sự được lắng nghe và động lực cũng như tâm huyết của các chuyên gia có còn như trước?
Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là tôn trọng các ý kiến nhiều chiều tại diễn đàn, bởi các nhà khoa học, các chuyên gia đến với diễn đàn đều có ý thức xây dựng trách nhiệm cao với sự phát triển của đất nước.
Nhưng, ngay cả động lực của chuyên gia cũng có thể cạn lắm chứ. Có vị chuyên gia nói chỉ cần thực hiện những điều mà họ đã kiến nghị là tốt rồi, còn cứ kiến nghị mãi mà không thấy được tiếp thu thì cũng mất động lực.
Còn đặt vấn đề tác động của diễn đàn ở mức nào thì nhiều khi nó đòi hỏi một thời gian nhất định mới có thể đánh giá được. Nhưng nhiều nội dung cũng đã được tiếp thu, như 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô hay kiến nghị về giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đã được nhóm tác giả của đề án tiếp thu khá nhiều.
Xin được mạo muội hỏi ông câu này, là đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, ông có thực sự tin rằng Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới của cải cách thể chế với những biến chuyển thực sự mạnh mẽ?
Không nghi ngờ gì về cảm nhận một giai đoạn phát triển mới của đất nước mà nếu không cải cách thể chế kinh tế thì rất là nguy hiểm. Mới đây, một chuyên gia người Nhật đã cảnh báo là Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thời điểm này thì cải cách không chỉ là ý muốn của nhân dân mà đã thực sự là yêu cầu rất cấp thiết đối với Đảng, Nhà nước.
Bạn hỏi về niềm tin thì đó là câu hỏi quá lớn. Điều không thể né tránh là niềm tin trong cử tri và kể cả bản thân tôi đều “có vấn đề”. Chúng ta đều mong muốn, đều nỗ lực còn tin vào sự thành công đến mức nào thì phải có thực tiễn. Những năm gần đây chúng ta chứng minh mãi là nền kinh tế có vấn đề về cơ cấu, về mô hình nhưng 3 năm qua chưa làm được nhiều và làm một cách mạnh mẽ để tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Rõ ràng khoảng cách giữa chủ trương và hành động đã làm giảm niềm tin của cử tri.
Về dài hạn thì tôi vẫn tin vào động lực phát triển mới từ cải cách thể chế, nhưng trước mắt thì trả lời câu hỏi của bạn không hề đơn giản. Chúng ta không chỉ củng cố lại niềm tin cho mình, mà còn phải góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Tôi cũng xin nhắc lại, gốc của thể chế là Hiến pháp. Và, như đã nói ở trên, Hiến pháp có nhiều điểm mới làm nền tảng để cải cách thể chế kinh tế. Và chúng ta hy vọng qua Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân này, những quan điểm mới về cải cách thể chế kinh tế sẽ được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, và biến thành hành động cụ thể!
Một trong những nội dung sẽ được tập trung thảo luận là giải pháp để tháo gỡ những nút thắt thể chế đang cản trở sự vận động của các quy luật khách quan và phổ quát trong nền kinh tế thị trường.
Trao đổi với VnEconomy trước thềm diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thể chế tại Việt Nam. Và những kiến nghị từ diễn đàn sẽ là các hành động cụ thể góp phần gỡ các nút thắt thể chế.
Chưa có đột phá
Cải cách thể chế nói chung và thể chế kinh tế đang là một vấn đề rất thời sự, không chỉ ở diễn đàn Quốc hội. Việc lựa chọn chủ đề diễn đàn lần này có vẻ rất “hợp thời” và cũng là sự nối mạch từ các diễn đàn của các năm trước. Nhưng trong bổi cảnh cải cách thể chế mới bắt đầu được “khởi động” lại thì tại sao diễn đàn không đặt vấn đề động lực cho cải cách thể chế mà lại là động lực phát triển mới từ cải cách thể chế, thưa ông?
Trước hết xin được nhấn mạnh không phải bây giờ vấn đề cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế kinh tế nói riêng mới được đặt ra.
Nhìn lại gần 30 năm qua, từ Đại hội 6 của Đảng đến nay, những bước phát triển ấn tượng của Việt Nam đều gắn với những đổi mới có tính quyết định về thể chế.
Riêng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì từ 2008 Trung ương đã có nghị quyết chuyên đề, sau đó được Đại hội 11 xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Song, quá trình triển khai từ đó đến nay thì không thể nói là đã có đột phá và mang lại kết quả như mong muốn, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.
Hiện nay, việc tổng kết 30 năm đổi mới đang được tiến hành, trong đó có nội dung về cải cách thể chế kinh tế. Nhiều cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, các nhà khoa học đều đang tập trung nghiên cứu xoay quanh nội dung này.
Trở lại câu hỏi của bạn, tôi thấy động lực để cải cách thể chế đã rất rõ ràng.
Nhận thức, tư duy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đều thấy nguồn gốc của mọi vấn đề là thể chế, đó là động lực thứ nhất để cải cách.
Thứ hai, bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013 có hiệu lực từ 1/1/2014 đã đặt nền tảng và yêu cầu rất mạnh mẽ về cải cách thể chế đồng bộ cả chính trị và kinh tế.
Thứ ba, trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, những năm gần đây, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc có nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là lúc Việt Nam cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.
Động lực mới từ cải cách thể chế là nhận thức chung hiện nay, và cũng là lý do để Ủy ban Kinh tế lựa chọn chủ đề cho diễn đàn lần này.
Ông có nhắc đến Hiến pháp như một trong ba động lực để cải cách thể chế. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn về không gian cho cải cách thể chế kinh tế của bản Hiến pháp này. Vậy theo ông những hiến định nào sẽ thúc đẩy quá trình cải cách?
Tuy vẫn còn có những ý kiến khác về dư địa cho đổi mới thể chế của Hiến pháp, đặc biệt có ý kiến cho rằng là hiến định về sở hữu toàn dân và kinh tế nhà nước chưa thực sự tạo động lực để cải cách. Chúng ta cần tôn trọng các ý kiến khác... Nhưng cần hiểu Hiến pháp một cách hệ thống, ngay cả những điều nói về kinh tế nhà nước hay sở hữu toàn dân cũng phải hiểu theo tinh thần mới, trong bối cảnh mới.
Đừng hiểu về kinh tế nhà nước như cũ, nghĩa là anh lấn át hết khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế nhà nước ở đây không đồng nhất với quốc doanh, với doanh nghiệp nhà nước. Hiến pháp cũng hiến định chính xác và hợp lý hơn về sở hữu toàn dân, đồng thời Hiến pháp bảo đảm quyền sử dụng, khai thác, hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên được coi là quyền sinh tồn của người dân. Vai trò, chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường cũng đã dược hiến định đúng đắn hơn, nguyên tắc phân quyền trong quản lý cũng đã được bổ sung.
Tóm lại là Hiến pháp có nhiều điểm mới, là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế. Điều quan trọng là việc tổ chức thực thi Hiến pháp như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó.
Cách tiếp cận mới
Như ông đã nói ở trên, cải cách thể chế là vấn đề xuất hiện khá dày đặc không chỉ ở hội thảo, hội nghị mà còn cả các công trình nghiên cứu đã và đang được tiến hành. Vậy diễn đàn có gì khác biệt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề?
Hiện nay cách hiểu về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn khác nhau. Ngay cả quan niệm về thể chế, cải cách thể chế là cải cách cái gì cũng còn chưa hoàn toàn thống nhất. Còn có sự lẫn lộn giữa thị trường và thể chế kinh tế thị trường. Nếu không thống nhất về cách hiểu cho dù ở mức tương đối thì khó xác định được phạm vi và đối tượng cải cách.
Bởi vậy, tại diễn đàn sẽ thảo luận và làm rõ yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận mới về kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường. Từ đó xây dựng nguyên tắc và nội dung cơ bản về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với thời gian có hạn, chúng tôi đã thống nhất với các chuyên gia là không nặng về lý thuyết mà sẽ “tấn công” thẳng vào các nút thắt thể chế và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để tháo gỡ và tạo ra các “động lực thể chế” cho phát triển để làm sao sau Diễn đàn sẽ có một số kiến nghị cụ thể, “gạch đầu dòng” các hành động cần làm và “có thể làm được” để cải cách thể chế không còn chỉ là thông điệp, nghị quyết mà đi vào thực tế cuộc sống.
Theo đó các tham luận tiếp theo sẽ trình bày nhận thức mới về vai trò nhà nước và kinh tế nhà nước gắn với sở hữu toàn dân trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Những vấn đề mới đặt ra đối với cải cách thể chế kinh tế trong quá trình hội nhập cũng là nội dung được thảo luận. Một số tham luận sẽ định lượng tác động của những nút thắt thể chế liên quan đến môi trường kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cạnh tranh bình đẳng. Từ đó, đề xuất một số khuyến nghị đổi mới môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp.
Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các đề xuất hoàn thiện thể chế xác định giá theo cơ chế thị trường cho các thị trường hàng hóa cơ bản trên cơ sở các nghiên cứu thực trạng hiện nay của vấn đề này.
Đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích tạo động lực cho phát triển cũng sẽ có những đáp án mới, từ tranh luận mở tại diễn đàn.
Ở một số diễn đàn trước bạn cũng đã từng nghe chuyên gia lo ngại các nhóm lợi ích đang cản trở cải cảch thể chế. Song, lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích nhóm theo nghĩa tiêu cực mà rộng hơn là những năm qua lợi ích rơi vào khu vực không phải kinh tế thực. Như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng… còn khu vực kinh tế thực bao gồm các ngành sản xuất, chế tạo, cơ khí… thì phát triển èo uột, đó thực sự là sự cản trở rất lớn đối với phát triển kinh tế.
Vậy theo ông thì sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực và lợi ích có quá khó để khắc phục trong bối cảnh hiện tại không?
Giờ nước đến chân rồi, không thể không làm! Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không khắc phục được sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực và lợi ích nghĩa là không ai đầu tư vào nền kinh tế thực thì làm sao có công nghiệp hóa được.
Đâu phải vô cớ mà có lời cảnh báo coi chừng Việt Nam còn thua cả Campuchia khi họ sản xuất được ôtô rồi còn ta nhập cả ốc vít. Như vậy có nghĩa là đòi hỏi phải có điều chỉnh ở tầm vĩ mô, không thể tập trung mãi vào khu vực kinh tế ảo được, dù nó quan trọng nhưng nó phải làm đúng chức năng của nó chứ không thể lấn át lợi ích của khu vực kinh tế thực như những năm qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một người rất tâm huyết với cải cách thể chế kinh tế, đã từng nói một người nói có thể không ai nghe. Song nhiều chuyên gia cùng hiến kế thì đất nước sẽ đổi mới. “Thương hiệu” các diễn đàn kinh tế mùa xuân và mùa thu của Ủy ban Kinh tế được xây dựng bởi chính sức nặng từ các ý kiến của nhiều vị chuyên gia. Nhiều kiến nghị từ các diễn đàn này cũng được đánh giá rất cao. Theo ông, các kiến nghị đó đã thực sự được lắng nghe và động lực cũng như tâm huyết của các chuyên gia có còn như trước?
Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là tôn trọng các ý kiến nhiều chiều tại diễn đàn, bởi các nhà khoa học, các chuyên gia đến với diễn đàn đều có ý thức xây dựng trách nhiệm cao với sự phát triển của đất nước.
Nhưng, ngay cả động lực của chuyên gia cũng có thể cạn lắm chứ. Có vị chuyên gia nói chỉ cần thực hiện những điều mà họ đã kiến nghị là tốt rồi, còn cứ kiến nghị mãi mà không thấy được tiếp thu thì cũng mất động lực.
Còn đặt vấn đề tác động của diễn đàn ở mức nào thì nhiều khi nó đòi hỏi một thời gian nhất định mới có thể đánh giá được. Nhưng nhiều nội dung cũng đã được tiếp thu, như 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô hay kiến nghị về giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đã được nhóm tác giả của đề án tiếp thu khá nhiều.
Xin được mạo muội hỏi ông câu này, là đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, ông có thực sự tin rằng Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới của cải cách thể chế với những biến chuyển thực sự mạnh mẽ?
Không nghi ngờ gì về cảm nhận một giai đoạn phát triển mới của đất nước mà nếu không cải cách thể chế kinh tế thì rất là nguy hiểm. Mới đây, một chuyên gia người Nhật đã cảnh báo là Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thời điểm này thì cải cách không chỉ là ý muốn của nhân dân mà đã thực sự là yêu cầu rất cấp thiết đối với Đảng, Nhà nước.
Bạn hỏi về niềm tin thì đó là câu hỏi quá lớn. Điều không thể né tránh là niềm tin trong cử tri và kể cả bản thân tôi đều “có vấn đề”. Chúng ta đều mong muốn, đều nỗ lực còn tin vào sự thành công đến mức nào thì phải có thực tiễn. Những năm gần đây chúng ta chứng minh mãi là nền kinh tế có vấn đề về cơ cấu, về mô hình nhưng 3 năm qua chưa làm được nhiều và làm một cách mạnh mẽ để tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Rõ ràng khoảng cách giữa chủ trương và hành động đã làm giảm niềm tin của cử tri.
Về dài hạn thì tôi vẫn tin vào động lực phát triển mới từ cải cách thể chế, nhưng trước mắt thì trả lời câu hỏi của bạn không hề đơn giản. Chúng ta không chỉ củng cố lại niềm tin cho mình, mà còn phải góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Tôi cũng xin nhắc lại, gốc của thể chế là Hiến pháp. Và, như đã nói ở trên, Hiến pháp có nhiều điểm mới làm nền tảng để cải cách thể chế kinh tế. Và chúng ta hy vọng qua Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân này, những quan điểm mới về cải cách thể chế kinh tế sẽ được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, và biến thành hành động cụ thể!