Cần chính sách đòn bẩy phát triển khu thương mại tự do
Được đánh giá là có tiềm năng lớn, song do thiếu chính sách về phát triển nên đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có khu thương mại tự do (FTZ) nào được hình thành...

Báo cáo logistics 2024 của Bộ Công Thương nhận định khu thương mại tự do (FTZ) là mô hình đã quen thuộc trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ.
Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận mô hình này thông qua việc phát triển những loại hình khu có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan trong khu kinh tế, các kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế...
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất.
CƠ HỘI LỚN TỪ TIỀM NĂNG ĐỊA PHƯƠNG
Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển các khu thương mại tự do. Với đường bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một vị trí địa lý chiến lược gần các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Vị trí này cho phép Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các FTZ, nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu một cách hiệu quả.
Việt Nam sở hữu nhiều cảng biển lớn và hiện đại như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu, những cảng này có khả năng tiếp nhận tàu container lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với các khu công nghiệp và khu chế xuất cũng đang được nâng cấp và mở rộng, bao gồm đường bộ, đường sắt và hàng không, tạo nên một mạng lưới logistics hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển của FTZ.
Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách này bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập vào từ nước ngoài để sản xuất, kinh doanh trong các FTZ và miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong FTZ. Chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Mặt khác, Việt Nam có nền tảng từ nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Đồng thời, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển FTZ…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu là những địa phương có tiềm năng lớn cho phát triển FTZ, do các địa phương này được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp và cảng biển.
Đơn cử như Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu tiên tiến, trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò chủ chốt, khẳng định vị thế là một trong những cụm cảng biển lớn nhất Việt Nam với tổng công suất lên đến hơn 18 triệu TEU/năm. Đây còn là một trung tâm công nghiệp lớn, sở hữu nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất hiện đại.
Tương tự, Hải Phòng là một trong những thành phố cảng lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, một trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Bắc, với nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất lớn. Bên cạnh những khu vực trọng điểm trên, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương với nhiều tiềm năng cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh nên được cân nhắc thành lập khu thương mại tự do.
THIẾU CƠ CHẾ, NGUỒN LỰC
Mặc dù vậy, để hình thành và phát triển FTZ ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Báo cáo logistics cho biết đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có FTZ nào được hình thành. Hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định thành lập, mô hình quản lý, cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý trong FTZ.
“Việc thiếu khung pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và phát triển FTZ, đồng thời, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của quản lý nhà nước đối với các khu vực này”, báo cáo nhận định.
Trong khi đó, Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đã có các FTZ phát triển như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Những quốc gia này có khung pháp lý hoàn thiện, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển FTZ. Ngoài ra, các quốc gia này cũng có kinh nghiệm quản lý và vận hành FTZ hiệu quả, làm cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý FTZ tại Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đông đảo, nhưng kỹ năng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp trong các FTZ. Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ.
Cơ sở hạ tầng logistics dù đã được cải thiện, vẫn cần đầu tư thêm vào các dịch vụ hỗ trợ logistics như kho bãi, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ phụ trợ khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của FTZ. Hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm và các FTZ cần được nâng cấp và mở rộng hơn nữa đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt và hiệu quả.
CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Báo cáo cho rằng để phát triển FTZ tại Việt Nam, cần có các bước đi cụ thể: đầu tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, thành lập, quản lý và cơ chế hoạt động của FTZ; tiếp theo, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về FTZ để nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng về lợi ích và cơ hội từ FTZ.
Việt Nam cũng cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc phát triển FTZ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Trung Quốc, Brazil, Singapore và Panama. Đồng thời, triển khai các dự án thí điểm FTZ tại một số địa phương có tiềm năng để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển FTZ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng vướng mắc của các khu thương mại tự do tại Việt Nam chính là cơ chế, chính sách. Bởi các nội dung phân cấp, trao quyền, vận hành, tương tác giữa các vùng kinh tế bình thường, khu công nghiệp khác với khu thương mại tự do là chưa từng có tiền lệ, điều này dẫn tới phải có một sự điều chỉnh trong luật; các quy trình, thủ tục xin cấp phép thành lập khu thương mại cũng chưa được dẫn chiếu từ bất kỳ văn bản nào.
Do vậy, tỉnh, thành phố cần chủ động đề xuất dự thảo Cơ chế thí điểm Khu thương mại tự do thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội phê duyệt; chủ động xin ý kiến các bộ liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... về các khu chức năng phù hợp với lợi thế của tỉnh, thành phố; các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư; chế độ ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chuyên ngành; cơ chế cấp duyệt các quy hoạch chi tiết, cấp - gia hạn - thu hồi giấy phép lao động…
Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay và cơ sở vật chất trong địa bàn tỉnh, thành phố. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cũng cần nghiên cứu đề xuất đơn giản hóa thủ tục hải quan và quản lý, giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư thế hệ mới, hướng tới các ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính và công nghiệp thân thiện với môi trường...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
