11:15 12/09/2007

Cần một “nhạc trưởng” cho làng nghề

Đình Nam

"Ba vấn đề lớn nhất của làng nghề thủ công truyền thống hiện nay là khả năng tiếp cận vốn, tìm kiếm thị trường, sáng tạo mẫu mã"

"Đang có nghịch lý là các làng nghề đang cố gắng công nghiệp hóa những sản phẩm thủ công truyền thống thay vì hiện đại hóa một cách có kế thừa các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ."
"Đang có nghịch lý là các làng nghề đang cố gắng công nghiệp hóa những sản phẩm thủ công truyền thống thay vì hiện đại hóa một cách có kế thừa các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ."
Nội dung cuộc trò chuyện với ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam.

Với hơn 2.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút 13 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD (năm 2006) nhưng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam vẫn đang ở tình trạng manh mún, tự phát, thưa ông?

Những năm qua, các làng nghề truyền thống của Việt Nam có tốc độ phát triển khá mạnh mẽ song lại thiếu một định hướng ổn định, bền vững dẫn tới tình trạng mạnh ai nấy làm, manh mún, tự phát. Nguyên nhân lớn nhất là chúng ta thiếu một “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm chính trong quy hoạch, phát triển làng nghề thủ công truyền thống, vì vậy mà chúng ta mới chỉ tập trung khai thác làng nghề chứ chưa quan tâm “vun xới”, “chăm bón”.

Ba vấn đề lớn nhất của làng nghề thủ công truyền thống hiện nay là khả năng tiếp cận vốn, tìm kiếm thị trường, khả năng sáng tạo mẫu mã, công nghệ mới. Khó khăn trong tiếp cận vốn khiến quy mô sản xuất của các làng nghề nhỏ và mang tính thời vụ, chộp giật dẫn đến tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh khiến bản thân các làng nghề không thể bứt phá để tạo ra những thương hiệu có uy tín.

Hệ quả của việc không tạo dựng được thương hiệu nên năng lực tiếp cận các thị trường lớn, thị trường mới là rất hạn chế, phần lớn sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ta đều phải xuất qua khâu trung gian. Khả năng sáng tạo mẫu mã mới phù hợp với gu thẩm mỹ của các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Đông... của các làng nghề lại rất hạn chế nên chỉ thực hiện chức năng gia công thay vì có được những sản phẩm thủ công đúng nghĩa, mang bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt, độc đáo.

Con số 90% sản phẩm làm theo mẫu mã của nước ngoài có phải là nguyên nhân quan trọng làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nghề thủ công truyền thống Việt Nam?

Vấn đề mẫu mã, công nghệ đang được coi là khâu trọng yếu trong phát triển nghề thủ công truyền thống hiện nay.

Đang có nghịch lý là các làng nghề đang cố gắng công nghiệp hóa những sản phẩm thủ công truyền thống thay vì hiện đại hóa một cách có kế thừa các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Điều đó đã dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm thủ công giống nhau như đúc trong khi giá trị của chúng là hàm lượng văn hóa, là sự không giống nhau tuyệt đối vì được làm bằng tay của mỗi nghệ nhân.

Có rất nhiều hội chợ thương hiệu, cuộc thi nghệ nhân bàn tay vàng được tổ chức nhưng các nghệ nhân ở những làng nghề truyền thống vẫn đang dần biến mất mà không có người kế tục. Cả nước không hề có được một hệ thống nghiên cứu, đào tạo nghề truyền thống hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả. Những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... có cả những trường đào tạo chuyên ngành thủ công truyền thống, những viện nghiên cứu, những bảo tàng nghề thủ công truyền thống và những nghệ nhân giỏi...

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu chúng ta không cập nhật những mẫu mã, gu thẩm mỹ của các thị trường nước ngoài thì khả năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam sẽ bị hạn chế rất nhiều?

Thực tế, đây là quan niệm không chuẩn xác bởi mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đều mang trong nó những đặc trưng văn hóa của dân tộc và người tiêu dùng mua sản phẩm theo một nghĩa nào đó là mua hàm lượng văn hóa có trong đó. Ngay trong một hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ ở 5 nước châu Âu mà chúng tôi có dịp tham gia thì những sản phẩm như đàn bầu, con tò he được bán rất đắt hàng.

Tất nhiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng cần được hiện đại hóa để đảm bảo phù hợp với gu thẩm mỹ thời đại. Ở Việt Nam cũng đã có những nghệ nhân được đào tạo bài bản trong các trường mỹ thuật, nghệ thuật nên có được sự kết hợp rất tốt trong việc nắm bắt thị hiếu thẩm mỹ của từng đối tượng khách hàng để sản xuất ra những sản phẩm vừa mang tính truyền thống nhưng cũng không kém phần hiện đại. Tuy nhiên, số nghệ nhân như vậy còn quá ít mà phần lớn các làng nghề tồn tại tình trạng nhái lại mẫu mã của nhau.

Vậy theo ông, sẽ phải đột phá từ đâu để tạo sức bật cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ?

Chỉ còn 3 năm nữa (năm 2010) để chúng ta đạt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ, điều đó cho thấy cần phải có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quy hoạch nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, tăng cường xúc tiến thị trường, tăng vốn đầu tư cho các làng nghề.

Gia tăng liên kết giữa hộ gia đình, các làng nghề trong từng công đoạn trong sản xuất một sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa cho phép phát triển kỹ thuật công nghệ cao đồng thời tạo ra khối lượng sản phẩm đủ khả năng đáp ứng được các nhu cầu đơn hàng lớn của các đối tác nước ngoài.

Trong khi đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo tri thức mỹ thuật, công nghệ hiện đại kết hợp với thực hành, truyền nghề tại các làng nghề là giải pháp cơ bản để chúng ta tạo được nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, rất cần một cơ quan phụ trách toàn bộ các vấn đề chứ không thể để tình trạng nhiều ngành cùng phụ trách làng nghề truyền thống như hiện nay.