Cần xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực
Mặc dù ở góc độ trung ương đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về định hướng xanh nhưng ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp, nhận thức về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa đồng đều. Nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa rõ ràng. Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đại biểu Quốc hội đề xuất 3 giải pháp quan trọng...
Quan tâm tới các định hướng tăng trưởng xanh, đại biểu Lê Đào An Xuân, đoàn Phú Yên dẫn chứng: "Trong bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị trung ương 10 vừa qua cho thấy, trong 8 vấn đề lớn về phương hướng, giải pháp chiến lược nêu tại dự thảo văn kiện, nội dung chuyển đổi xanh được xác định là một trong những động lực chính cho phát triển".
NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH, CHUYỂN ĐỔI XANH CHƯA RÕ RÀNG
Trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, mục tiêu và 11 nhiệm vụ giải pháp cho năm 2025 đã liên tục khẳng định hướng "chuyển đổi xanh" của nước ta.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đã đưa ra các đánh giá thực tiễn dựa trên tình hình trong nước và thế giới để khẳng định mạnh mẽ hơn "tăng trưởng xanh" là cơ hội đột phá và là hướng đi cho Việt Nam cùng với những kiến nghị để tăng tốc cho tiến trình tăng trưởng xanh.
“Có thể thấy ở góc độ Trung ương đã xác định rất rõ định hướng xanh, các mục tiêu, chỉ tiêu đã từng bước được lồng ghép trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các ngành, các vùng lãnh thổ gắn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia”, đại biểu Xuân khẳng định.
“Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai”.
Theo đại biểu, nhận thức về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa đồng đều; có sự xung đột hoặc trùng lặp nhau khi triển khai các chiến lược có liên quan đến xanh như chiến lược phát triển bền vững, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh… gây bối rối cho các địa phương khi thực hiện, dẫn đến dàn trải, thiếu trọng tâm.
Đặc biệt, nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa rõ ràng, phần lớn là lồng ghép hoặc từ các nguồn tài trợ, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được các thông tin, chưa nhận được các hỗ trợ cụ thể để chuyển đổi xanh.
3 ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH
Để các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với tiến trình chuyển đổi xanh, đại biểu đoàn Phú Yên kiến nghị 3 nội dung lớn.
Thứ nhất, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh.
Mặc dù yếu tố bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong một số lĩnh vực như trong tiêu chí đấu thầu nhưng nội dung vẫn còn rất hạn chế và chỉ ở mức độ khuyến khích.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần sớm ban hành các quy định này trong năm 2025, trước mắt ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công, ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh như tỷ lệ bắt buộc mua sắm các loại xe công phải sử dụng nhiên liệu sạch, bắt buộc mua sắm các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, bắt buộc xây dựng các công trình xanh khi xây mới các trụ sở.
Theo đại biểu, mua sắm công chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu của Chính phủ và các địa phương, do vậy, chính sách này sẽ có tác động trực tiếp, tạo sự ảnh hưởng rộng trong thị trường và thúc đẩy tiêu dùng xanh ngay ở quy mô địa phương.
Thứ hai, Chính phủ cần rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cũng như thực thi, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ. “Đây là bước đầu để xác định sản phẩm doanh nghiệp đã xanh hay chưa, đại biểu nói.
Đại biểu dẫn chứng ví dụ, về chính sách dán nhãn sinh thái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra quy định về nhãn xanh Việt Nam từ năm 2013, nhưng đến năm 2022, chỉ có 17 bộ tiêu chí sản phẩm được ban hành và chỉ có 112 sản phẩm được cấp nhãn.
Trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024, đến nay chỉ có 5 hồ sơ đề nghị cấp nhãn sinh thái được tiếp nhận. Đại biểu nhận xét, “con số này thấp so với tiềm năng”.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với những vụ việc được dư luận lên tiếng về sự không trung thực của nhà sản xuất và sự thiếu kiểm tra, giám sát của tổ chức cấp giấy chứng nhận đã làm người tiêu dùng giảm niềm tin vào sản phẩm đạt chuẩn. Điều này làm cho các nhà sản xuất đi sau hoặc không tham gia xin chứng nhận hoặc phải bỏ nhiều thời gian, kinh phí để đạt chứng nhận của các tổ chức nước ngoài dù sản phẩm chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, về tranh thủ các nguồn lực, hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi xanh ở các địa phương chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp nhận các nguồn lực này hiện khá phức tạp. Ví dụ, khoản viện trợ có 1 tỷ thực hiện trong thời gian 1 năm nhưng lại mất 1/3 thời gian để hoàn thành các thủ tục, gây nản lòng cho đơn vị hỗ trợ lẫn người thực hiện.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định liên quan đến sử dụng vốn viện trợ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh.
Với những kiến nghị trên, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng “chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thực hiện ngay để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sớm nhất”.