12:09 27/07/2022

Căng thẳng với phương Tây, Nga tuyên bố rút khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế và tự xây trạm riêng

Đức Anh

Nga sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 và tập trung vào việc xây dựng một trạm vũ trụ của riêng mình...

Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) được chụp vào ngày 30/3/2022 - Ảnh: Roscosmos
Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) được chụp vào ngày 30/3/2022 - Ảnh: Roscosmos

Đây là thông tin được ông Yuri Borisov, tân giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, đưa ra ngày 26/7 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì xung đột ở Ukraine.

Theo Bloomberg, thông báo của ông Borisov, dù không nằm ngoài dự đoán, đặt ra câu hỏi về tương lai của trạm vũ trụ 24 tuổi.

Giới chuyên gia cho rằng ISS sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là “một cơn ác mộng”, khi hoạt động mà không có người Nga. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các đối tác được kỳ vọng sẽ tiếp tục vận hành trạm vũ trụ này tới năm 2030.

“Quyết định rời trạm ISS sau năm 2024 đã được đưa ra”, ông Borisov cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi cho rằng đã đến đến lúc chúng ta bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ của Nga”.

ISS từ lâu là một biểu tượng của hợp tác quốc tế sau chiến tranh lạnh nhân danh khoa học và cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng giữa Mỹ và Nga.

Phản ứng trước thông tin này, các quan chức NASA cho biết chưa nghe được trực tiếp từ những người đồng cấp Nga. Giám đốc NASA Bill Nelson đã phát đi thông cáo nói rằng NASA “cam kết đảm bảo hoạt động an toàn” của ISS tới năm 2030 và tiếp tục xây dựng “các khả năng trong tương lai để đảm bảo sự hiện diện của chúng ta ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi thông báo của ông Borisov là “điều đáng tiếc” trong bối cảnh các cơ quan hàng không vũ trụ Nga – Mỹ đã có đạt được những hợp tác chuyên nghiệp và giá trị trong nhiều năm qua. Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đang “xem xét các lựa chọn” để ứng phó với việc Nga rút khỏi ISS.

Tuyên bố của ông Borisov tái khẳng định những tuyên bố trước đây của các quan chức vũ trụ của Nga về ý định rời ISS của Moscow sau năm 2024 khi các thỏa thuận quốc tế hiện tại về hoạt động của trạm này chấm dứt.

Các quan chức Nga từ lâu mong muốn có một trạm vũ trụ của riêng nước này. Họ phàn nàn rằng tình trạng hao mòn của ISS ảnh hưởng tới sự an toàn và khiến trạm này khó kéo dài tuổi thọ.

Chi phí có thể cũng là một vấn đề khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk giờ đây đang đưa các phi hành gia của NASA ra vào ISS, khiến cơ quan vũ trụ của Nga mất đi một nguồn thu nhập lớn. Nhiều năm qua, NASA đã phải trả hàng chục triệu USD mỗi chỗ ngồi lên trạm vũ trụ quốc tế trên các tên lửa Soyuz của Nga.

 

Hãy nhớ rằng trò chơi mà Nga giỏi nhất chính là cờ vua

CỰU PHI HÀNH GIA CANADA CHRIS HADFIELD

Theo giới phân tích, động thái của Nga chắc chắn sẽ làm dấy lên những đồn đoán rằng đây là một phần trong chiến dịch của Moscow nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Người tiền nhiệm của ông Borisov, ông Dmitry Rogozin, tháng trước nói rằng Moscow có thể tham gia vào các cuộc đàm phán về khả năng gia hạn hoạt động của ISS chỉ khi Mỹ gỡ bỏ các trừng phạt đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.

Cựu phi hành gia người Canada Chris Hadfield đã đăng tải một dòng tweet trên Twitter để phản ứng với thông báo của phía Nga ngày 26/7: "Hãy nhớ rằng trò chơi mà Nga giỏi nhất chính là cờ vua”.

ISS được đồng vận hành bởi Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Phần đầu tiên của trạm này được đưa vào quỹ đạo năm 1998 và nơi này liên tục có người sinh sống trong suốt gần 22 năm qua. ISS được sử dụng để tiến hành nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm công nghệ cho các chuyến hành trình lên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong tương lai.

ISS thường có một đội gồm 7 người sinh sống trong nhiều tháng trong khi trạm này quay ở quỹ đạo trên Trái Đát 420 km. Ở thời điểm hiện tại, nhóm này có 3 người Nga, 3 người Mỹ và 1 người Italy.

Trạm vũ trụ trị giá hơn 100 tỷ USD này có chiều dài bằng một sân bóng đá và gồm hai phần chính. Một phần do Nga điều hành, phần còn lại thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và các quốc gia khác. Hiện vẫn chưa rõ sẽ phải làm gì để phần do Nga vận hành tiếp tục hoạt động an toàn sau khi nước này rút khỏi.