17:43 27/10/2022

Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong

Dũng Hiếu

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong…

Bộ Y tế đã chủ động trong công tác tác phòng chống đậu mùa khỉ- Ảnh: sưu tầm
Bộ Y tế đã chủ động trong công tác tác phòng chống đậu mùa khỉ- Ảnh: sưu tầm

Đặc biệt là ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, đơn cử như những người nhiễm virus HIV không được điều trị.

Thông tin này được đưa ra trong một báo cáo của CDC Mỹ. Báo cáo co hay các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 57 bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh đậu mùa khỉ với biến chứng nặng. Kết quả cho thấy, có tới 83% trong số này là những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, chủ yếu do nhiễm HIV nhưng không điều trị.

Trong số 47 bệnh nhân bị nhiễm HIV này, nam giới chiếm 95% và người da màu chiếm 68%. Chỉ có 4 trường hợp trong số này đang được điều trị HIV bằng thuốc kháng virus.

Ông Jonathan Mermin, quan chức phụ trách công tác ứng phó dịch đậu mùa khỉ tại CDC Mỹ, nhận định bệnh đậu mùa khỉ và virus HIV đã gây ra những hậu quả đáng buồn.

Báo cáo này nêu bật tầm quan trọng của việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh đầu mùa khỉ và virus HIV, cũng như tạo điều kiện để các bệnh nhân có thể tiếp cận việc điều trị, vì cuộc sống của người dân và sức khỏe cộng đồng.

CDC Mỹ cũng nhấn mạnh cần đảm bảo việc tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, cũng như chẩn đoán và điều trị cho những người nhiễm HIV. Điều này có thể góp phần giúp người dân tránh phải đối mặt với những nguy cơ chồng chéo đối với sức khỏe. 

Theo dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ, tính đến ngày 25/10, nước này đã ghi nhận hơn 28.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Mỹ ghi nhận ca bệnh đầu tiên hồi tháng 5 vừa qua. Dịch đậu mùa khỉ đạt đỉnh tại Mỹ vào giữa tháng 8 và sau đó giảm mạnh nhờ các chiến dịch tiêm phòng.

Tại Việt Nam thời gian qua chủ động trong công tác tác phòng chống đậu mùa khỉ; đã triển khai các giải pháp phòng chống, giám sát, phát hiện sớm, điều trị, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị...

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, xác định ca bệnh; các Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; tại các cơ sở y tế và tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời.

Đồng thời Bộ Y tế xây dựng các Infographic Khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; liên hệ với các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan để chuẩn bị sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm.

Trước đó, ngày 3/10, Bộ Y tế báo cáo Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Bệnh nhân là nữ (35 tuổi, thường trú TP.HCM) khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai. Sau ba tuần điều trị, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và được cho xuất viện ngày 14/10.

Còn trường trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai đã được phát hiện ngày 19/10 - ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của Ngành Y tế. Người bệnh đã được nhân viên kiểm dịch y tế tiếp cận ngay khi vừa xuống máy bay và đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cách ly để được chẩn đoán và điều trị.

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2022 đến 18/10/2022. Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nồn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.

 

Triệu chứng chính về bệnh đậu mùa khỉ:

Biểu hiện triệu chứng của bệnh tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Các triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai (gây thai chết lưu hoặc mắc đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc người suy giảm miễn dịch.

Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:

- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

- Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.