Có ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Việt Nam chuẩn bị kịch bản ứng phó ra sao?
Ngành Y tế đã xây dựng các kịch bản phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ linh hoạt với từng tình huống, nhất là khi Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 3/10…
Việt Nam đã chính thức ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên sau khi dịch bệnh này đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Trường hợp mắc bệnh là người phụ nữ trú tại TP. HCM, khởi phát bệnh khi đang du lịch tại Dubai.
CA BỆNH KHÓ CÓ KHẢ NĂNG LÂY RA CỘNG ĐỒNG
Bộ Y tế nhận định, đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trao đổi với báo chí về ca bệnh này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin thêm, hiện các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, bao gồm những người trong gia đình và cán bộ y tế ngay từ đầu đã có sự theo dõi, giám sát. Đến nay sau hơn 10 ngày, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân vẫn không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Theo ông Lân, kể từ khi phát hiện nghi ngờ, bệnh nhân đã được coi như một trường hợp dương tính, vì vậy Bộ Y tế và TP. HCM đã xử lý toàn bộ các khâu giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng theo hướng dẫn khuyến cáo.
“Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân ngay từ đầu đã được giao các viện, Sở Y tế TP. HCM khoanh vùng xử lý, nguồn lây từ nước ngoài là bệnh nhân cũng đã được cách ly, điều trị. Vì vậy, rất khó có khả năng trường hợp này lây ra cộng đồng tại Việt Nam”, Cục trưởng Y tế dự phòng nhận định.
Mặc dù sự xâm nhập có hay không, ông Lân cho rằng chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ sớm, các cơ sở y tế luôn phải nâng cao cảnh giác. Mỗi người dân khi có biểu hiện nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở y tế khai báo sớm để bản thân được phát hiện bệnh sớm và được tư vấn, điều trị sớm, đồng thời tránh lây nhiễm cho người khác.
Hiện nay, ngành Y tế đã xây dựng các kịch bản khác nhau đáp ứng với từng tình huống dịch bệnh. Trong đó, với tình huống khi chưa có ca bệnh thì các bệnh viện cần chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, diễn tập phòng chống dịch; xây dựng quy trình tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ.
Với tình huống có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thì cơ sở y tế tổ chức khu điều trị cách ly riêng bệnh nhân đậu mùa khỉ, tập huấn nhân viên y tế về điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.
Còn với tình huống có ca bệnh lây lan trong cộng đồng, lúc này ngành Y tế sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án bệnh nhân tự cách ly điều trị tại nhà. Các khoa lâm sàng, đội cấp cứu lưu động tham gia chống dịch. Người bệnh được phân loại theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, ông Lân khẳng định, dù tình huống nào thì các kịch bản đưa ra đều linh hoạt để bảo đảm kịp thời phòng chống dịch.
THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC GIÁM SÁT, PHÁT HIỆN SỚM CA BỆNH
Theo Bộ Y tế, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế vào ngày 23/7/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cũng như các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 680 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; thường xuyên chỉ đạo tại các buổi họp của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế đã định kỳ họp giao ban và có các văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và tập huấn phổ biến.
Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin hàng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng, hoàn thiện và triển khai kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương mình. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Các địa phương cũng cần sẵn sàng thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân, thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 3/10/2022, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).