10:42 20/11/2023

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo combo du lịch giá rẻ cuối năm

Hồng Vinh

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ, tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo,…

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo combo du lịch giá rẻ cuối năm. Ảnh: Cục An toàn thông tin.
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo combo du lịch giá rẻ cuối năm. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch cho các kỳ nghỉ lễ, Tết tăng lên đáng kể. Do đó, các đối tượng xấu sử dụng chiêu trò mạo danh thương hiệu, bán combo vé du lịch với giá siêu rẻ cùng lời mời chào vô cùng hấp dẫn.

Mới đây, hàng loạt các thông báo đến từ các công ty du lịch như Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, Công ty cổ phần Công nghệ du lịch BestPrice, Công ty Du lịch TST Tourist,... về việc bị đối tượng xấu giả mạo tên thương hiệu, lừa đảo người khác gây thiệt hại đến khách hàng và uy tín của công ty.

 

"Người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ, chỉ nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Đồng thời, tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo, chỉ nên tin tưởng những trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán."

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Theo đó, các đối tượng xấu dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội để chào bán tour chương trình du lịch giá siêu hời, giả mạo nhân viên doanh nghiệp du lịch để đưa ra cam kết hợp đồng bao gồm thông tin, logo công ty cùng dấu mộc của tổng giám đốc và đề nghị nạn nhân chuyển tiền cọc hoặc tiền vé vào số tài khoản giả rồi chiếm đoạt tài sản.

Một thủ đoạn thường gặp khác là các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, bọn lừa đảo sẽ đặt vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và cắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Đối với hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ, chỉ nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Đồng thời, tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo, chỉ nên tin tưởng những trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

LỪA ĐẢO THANH TOÁN ONLINE, ĐÁNH BẠC ONLINE

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển hình thức thanh toán online là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm lợi dụng sự thuận tiện này cũng đang ngày một gia tăng và việc triệt phá hoàn toàn vẫn đang là một vấn đề nan giải.

Trong nửa đầu năm 2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phối hợp với các đơn vị Bộ Công an đã triệt phá hàng loạt đường dây cá độ bóng đá trái phép sử dụng công nghệ cao thông qua các trang web giả mạo kèm link độc.

Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, với nhiều phương thức, thủ đoạn để qua mắt cơ quan chức năng, như các thành viên trong nhóm hoạt động khép kín, một số tham gia qua sự giới thiệu của người khác nên không biết mặt nhau, thanh toán tiền thắng thua hằng tuần bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng qua ví điện tử, đặc biệt là MoMo. Nhận biết được vấn đề, MoMo rà soát và thực hiện định danh, xác thực tài khoản ví điện tử theo quy định.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia các hội nhóm hay tổ chức đánh bạc online trái phép trên không gian mạng. Các cơ quan ban ngành cần thường xuyên kiểm tra các hoạt động, giao dịch trên không gian mạng; phát hiện, truy vết, triệt phá kịp thời các đường dây cờ bạc. Các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân hàng cần phải tuân thủ chặt chẽ về quy trình cung cấp dịch vụ tín dụng; sàng lọc và phân loại khách hàng, đồng thời đảm bảo phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi khách hàng có hành vi phạm pháp.

Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo qua không gian mạng hiện nay. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết, dịp nghỉ lễ thì các chiêu trò này càng hoạt động nhiều hơn và tinh vi hơn. 

  1. Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".
  2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
  3. Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao
  4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
  5. Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
  6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
  7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
  8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…
  9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…).
  10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
  11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
  12. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.
  13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
  14. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
  15. Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
  16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
  17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
  18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
  19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
  20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
  21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
  22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…
  23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
  24. Lừa đảo cho số đánh đề.