06:00 03/12/2012

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún nứt: Hậu quả ép tiến độ

Đinh Tịnh

Sau 5 tháng thông xe, một số đoạn của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã bị lún, nứt

Được thông xe từ tháng 7/2012, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chiều 
dài khoảng 50 km, gồm 6 làn xe, cho phép chạy tốc độ 100 - 120km/h.
Được thông xe từ tháng 7/2012, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chiều dài khoảng 50 km, gồm 6 làn xe, cho phép chạy tốc độ 100 - 120km/h.
Sau 5 tháng thông xe, một số đoạn của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã bị lún, nứt. Lý giải về hiện tượng này, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, lại cận kề ngày thông xe nên một số đoạn tuyến vẫn đang phải xử lý nền đất yếu. Còn lại, hầu hết các đoạn tuyến khác đều đạt yêu cầu về chất lượng.

Được thông xe từ tháng 7/2012, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài khoảng 50 km, gồm 6 làn xe, cho phép chạy tốc độ 100 - 120 km/h. Từ khi có đường cao tốc, quốc lộ 1A cũ được giảm tải nhiều, rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đến một số tỉnh.

Thế nhưng, chỉ sau 5 tháng đưa vào sử dụng, nhiều lái xe đã phàn nàn về một số đoạn tuyến của đường cao tốc thuộc tỉnh Nam Định đã bắt đầu xuống cấp nhanh.

Cụ thể từ km 256 đến 257 xuất hiện nhiều vết lún, nứt, thậm chí mặt đường còn đùn lên thành những ụ lớn. Trong các hầm chui dân sinh tại km 239, 244, cầu chui gần cột km 255, mặt đường gồ lên từ 10 - 15 cm. Tại vị trí gần cột mốc km 257, ổ gà có đường kính gần 1 m, sâu hơn 10 cm...

Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, đơn vị quản lý buộc phải làm nhiều gờ giảm tốc độ và cắm biển báo hạn chế tốc độ phương tiện từ 100 km/h xuống 40 km/h.

Mặt đường xấu là vậy, nhưng khi đi lại trên tuyến, các phương tiện vẫn phải chịu mức thu phí cao. Hiện VEC đang thu 70.000 đồng/lượt/xe; xe tải - container từ 100 - 280.000 đồng/lượt/xe.

Giải thích về nguyên nhân tại sao tuyến đường cao tốc hiện đại xuống cấp nhanh chóng, ngày 1/12/2012, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, các hiện tượng lún nứt tại km 256+186 - km 256+541 (thuộc thôn An Lộc Thượng, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và km 257+950 - km 258+300 (thuộc thôn Hoàng Nê - Hoàng Nghị xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nằm trong khu vực nền đất yếu.

Do đó, VEC đã áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, bấc thấm và gia tải chờ lún nên mất khoảng thời gian từ 4 đến 7 tháng.

Ông Nhi cũng cho biết, trước đó, công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến trên gặp nhiều khó khăn. Mãi đến tháng 3/2012, VEC mới nhận được mặt bằng sạch để thi công, trong khi thời điểm thông xe toàn tuyến được chốt vào ngày 30/6/2012. Còn nếu theo đúng quy trình về xử lý nền yếu thì đến tháng 1/2013, dự án mới chính thức đạt các tiêu chuẩn để có thể đưa vào khai thác.

Trước tình hình đó, VEC đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải và được bộ này chấp thuận đưa toàn bộ dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác nhằm điều tiết lưu lượng và giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn Đại Xuyên - Ninh Bình, đồng thời cũng tạo nguồn thu cho VEC khi thực hiện dự án.

Trong quá trình khai thác, VEC vẫn đang theo dõi và bù lún đồng thời lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ.

Ông Nguyễn Văn Nhi cho biết thêm, các biển hạn chế tốc độ cho các đoạn này là không quá 40 km/h, đồng thời, VEC cũng sử dụng áp dụng các gờ giảm tốc, bố trí người trực hướng dẫn giao thông và ứng phó kịp thời các tình huống giao thông xảy ra.

Vấn đề là có nên giảm mức phí thu của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong bối cảnh một số đoạn tuyến đang xuống cấp như hiện nay không? Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành bảo trì đường cao tốc Việt Nam, trực tiếp quản lý tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, thời điểm xử lý lún cũng bắt đầu đi vào giai đoạn cuối. Hiện nhà thầu và tư vấn thiết kế đang khảo sát, theo dõi sát sao để khi nào lún ở mức độ cho phép sẽ triển khai thảm thêm một lớp bê tông nhựa nữa. Mức thu phí do đã được liên Bộ Giao thông Vận tải - Tài chính thống nhất đưa ra nên đơn vị không thể tự điều chỉnh.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)