Chất liệu “thượng hạng” Việt Nam lên sàn diễn quốc tế
Mới đây, bộ sưu tập Thu - Đông 2025 của nhà mốt Công Trí đã được giới thiệu trên tạp chí Vogue. Một lần nữa, nhà thiết kế Việt khai thác sâu chất liệu thủ công truyền thống là lụa Lãnh Mỹ A…

BST Thu - Đông 2025 của Công Trí là câu chuyện của những sự đối lập thị giác đầy tính toán. Tông đen là chủ đạo, tượng trưng cho sự quyền lực, trong khi tông trắng, be, ánh kim mang đến sự cân bằng. Đặc biệt, bộ sưu tập còn có sự xuất hiện của gam màu neon, tạo nên điểm nhấn bắt mắt.
Nhà mốt đã khai thác tối đa tiềm năng của các chất liệu. Lãnh Mỹ A - chất liệu được ví như "nữ hoàng của các loại tơ lụa" - được xử lý độc đáo với kỹ thuật chạy dây quen thuộc đã xuất hiện xuyên suốt trong các bộ sưu tập trước đó, tạo nên bề mặt mới mẻ nhưng vẫn giữ vững tinh thần của nhà mốt. Bên cạnh đó, silk chiffon bay bổng, vegan leather cá tính, jacquard xanh neon rực rỡ, taffeta sắc sảo đan xen giúp đa dạng hóa trải nghiệm thời trang.
Bộ sưu tập này cũng là sự kết hợp của kỹ thuật thủ công tinh xảo. Những dải tua rua uyển chuyển, kỹ thuật chạy dây và đính kết thủ công 3D mang đến vẻ đẹp đương đại xuyên suốt các thiết kế. Với kỹ thuật dệt tay tỉ mỉ từ sợi tơ tằm thượng hạng và quy trình nhuộm tự nhiên bằng trái mặc nưa, thứ lụa này mang trong mình sắc đen huyền bí, óng ả đặc trưng, tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ điển vừa đầy mê hoặc.






Đây không phải lần đầu Công Trí tôn vinh Lãnh Mỹ A. Năm 2016, nhà thiết kế đã mang lãnh Mỹ A đến Tokyo Fashion Week với những thiết kế Haute Couture trong bộ sưu tập mang tên Lúa. Tiếp đó là tuần lễ thời trang tại Vietnam International Fashion Week 2016 tại TP.HCM. "Tôi luôn muốn hướng đến tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Trong khi, Lãnh Mỹ A là một chất liệu vô cùng đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, truyền thống Việt.
Khi trực tiếp xem người thợ thủ công vất vả đúng với nghĩa "một nắng hai sương" để tạo ra từng thước vải lãnh, tôi rất trân trọng và muốn đưa chất liệu được coi là xa xỉ nhưng cũng xuất sắc nhất này vào đời sống qua các thiết kế của mình", nhà thiết kế nói.
Sau đó, nhà thiết kế một lần nữa tiếp tục giới thiệu bộ sưu tập mang tên Cuộc dạo chơi của những vì sao thuộc khuôn khổ Tuần lễ Thời trang New York Thu - Đông 2019, thực hiện trên nền lụa Lãnh Mỹ A truyền thống. Với kỹ thuật dập nổi, nhún gấp phải phù điên trên bề mặt đồ hoạ, anh mang đến diện mạo mới cho Lãnh Mỹ A, thể hiện sự tiệm cận không thua kém những chất liệu thời thượng.






Cũng giống như Công Trí, tại Lễ hội Áo dài TP.HCM 2025 vừa qua, nhà thiết kế áo dài Võ Việt Chung đã trình làng bộ sưu tập Màu thời gian tôn khai thác tối đa vẻ đẹp của Lãnh Mỹ A. Sự kết hợp với các gam màu sáng như trắng, đỏ, hồng của những họa tiết hoa không chỉ làm nổi bật sắc đen của Lãnh Mỹ A mà còn tượng trưng cho sự chuyển động của thời gian, khi quá khứ, hiện tại và tương lai giao hòa.
Võ Việt Chung đã gắn bó với thời trang Việt Nam hơn ba thập kỷ. Anh từng được UNESCO trao giải là người có công khôi phục và phát triển Lãnh Mỹ A và nhận được nhiều giải thưởng trong, ngoài nước. Trước đó, tháng 10/2024, một bộ sưu tập mang chủ đề Lãnh Mỹ A – Báu vật ngàn năm cũng đã được giới thiệu nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam trên chặng bay kết nối Hà Nội – TP.HCM của Vietravel Airlines.
Đây là bộ sưu tập áo dài Lãnh Mỹ A của Võ Việt Chung, từng được nhà thiết kế trình làng trong show diễn tôn vinh văn hóa bản địa, vẻ đẹp vĩnh cửu của những miền di sản. Mỗi tác phẩm được thực hiện trong gần một tháng lao động, những tà áo dài mang đến cho hành khách những cảm xúc đặc biệt như đang trở về những năm tháng cũ tại xứ lụa Tân Châu.






Thực tế, nếu phía Bắc lụa Hà Đông là một chất liệu hàng đầu thì vị trí này sẽ thuộc về Lãnh Mỹ A ở khu vực phía Nam. Tại xứ Tân Châu (An Giang), Lãnh Mỹ A được dệt với một kỹ thuật đặc biệt từ những sợi tơ loại một. Các công đoạn để làm ra từng thước vải lãnh như mài, ủ màu, nhuộm - phơi được lặp lại không biết bao nhiêu lần cũng tựa như quy trình thực hiện sơn mài. Vì thế, lãnh Mỹ A còn được gọi là lụa sơn mài.
Trong các chất liệu may mặc, lãnh Mỹ A được coi là "nữ hoàng" của các loại tơ tằm: đẹp nhờ tơ và "sắc" nhờ trái mặc nưa. Trái mặc nưa được chọn là loại già vừa phải, màu xanh hơi ngả vàng để có nhiều mủ và chất lượng mủ tốt. Mặc nưa được nghiền thành bột, pha với nước để tạo thành chất mủ đặc quánh, màu chuyển dần từ vàng sang đen. Vải được đem đi nhuộm, phơi, đập, nhuộm liên tục trong ít nhất khoảng 1 – 2 tháng liên tục mới cho ra được tấm vải nhuộm mặc nưa thành phẩm.
Ngược thời gian về những năm tháng ngành dệt thủ công rực rỡ nhất, từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt lúc nào tại Tân Châu cũng nghe tiếng thoi đưa dệt vải lách cách, tiếng đạp khung ì ầm. Đi dạo quanh vùng, đâu đâu cũng thấy nằm trên thảm cỏ thơm, hứng cái nắng, cái gió đồng quê, được nâng niu trong những bàn tay thạo nghề… là những tấm lụa mặc nưa không chỉ đáp ứng trong nước mà còn xuất sang các nước Thái Lan, Lào, Campuchia.
Thời đó, cả vùng Tân Châu sản xuất từ 4 đến 6 tấn tơ chỉ mỗi năm để cung ứng cho ngành dệt địa phương. Lãnh Mỹ A mềm mại và sờ vào mát lạnh, may quần áo mặc nhìn trang trọng nên các phụ nữ rất thích.
Ngày nay, nghề dệt lụa đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Máy dệt công nghiệp dần thay cho những khung dệt thủ công; việc giã trái mặc mưa lấy nước cũng đã có máy làm thay, nhưng các công đoạn nhuộm, phơi và xả lụa vẫn cần đến bàn tay của những người thợ, không máy móc nào thay thế được. Thế nên, lụa Lãnh Mỹ A vẫn là niềm kiêu hãnh của những người thợ dệt ở làng lụa Tân Châu.




Dù vậy, các cơ sở dệt lụa dần thu hẹp do thiếu nguồn nguyên liệu và phần khác giá Lãnh Mỹ A quá cao so với thu nhập của người Việt Nam nên cũng khó tiêu thụ trong nước. Lãnh Mỹ A giờ chỉ bán cho khách du lịch và xuất khẩu đi nước ngoài.
“Hiện nay, nhiều khách hàng ở nước ngoài, nhất là Hồng Kông, đặt số lượng lớn Lãnh Mỹ A, nhưng chúng tôi chưa dám nhận vì thiếu nguồn mặc nưa. Cây mặc nưa chỉ cho trái vào khoảng tháng 5 và 6 âm lịch nên phải chờ nguyên liệu…”, ông Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở dệt Tám Lăng, chia sẻ.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu (An Giang), làng nghề tơ lụa Tân Châu hiện còn khoảng 190 lao động. Ước sản lượng Lãnh Mỹ A hàng năm khoảng 3.500m, cùng với đó là khoảng 2.000m lụa màu... Bền bỉ và kiên cường, thứ lụa trơn láng, đen huyền óng ánh vừa mát rượi và thoang thoảng hương thơm đang tìm cho mình một “chỗ đứng” riêng, không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ thời trang quốc tế.