15:23 19/01/2023

Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên

Minh Nguyệt

Nói về những thiết kế Việt trên “đấu trường” thế giới, nhà thiết kế Minh Hạnh từng khẳng định: "Gươm báu đi chinh chiến xứ người không gì khác chính là bản sắc dân tộc". Những năm gần đây, nhiều nhà thiết kế đã tạo lập được tên tuổi chính là nhờ biết cách “thổi hồn” vào bản sắc độc đáo đó…

Ảnh: Kilomet 109
Ảnh: Kilomet 109

Không chỉ mang đến cho các nhà thiết kế danh tiếng, việc coi trọng yếu tố bản sắc trong thời trang, đặc biệt là trân trọng các chất liệu truyền thống còn có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống ở nhiều địa phương. Với sự nỗ lực đi tìm cái mới, nhiều nhà thiết kế đã lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm chất liệu cổ truyền, tìm cách “giải mã” những chất liệu này trong xu hướng thời trang hiện đại và khiến các chất liệu đó được quảng bá và bảo tồn tốt hơn.

TỪ THỔ CẨM A LƯỚI ĐẾN LÃNH MỸ A

Từ xưa đến nay, làng thời trang Việt không hiếm những nhà thiết kế hay thương hiệu theo đuổi việc đưa chất liệu truyền thống, họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử dân tộc vào thời trang ứng dụng. Nhưng đưa việc này lên thành “công thức cho thành công” có lẽ phải kể đến nhà thiết kế Minh Hạnh đầu tiên.

 
“Trong sáng tạo của một nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong "thế giới phẳng" này?”
- NTK Minh Hạnh -

Nhiều năm trước, Minh Hạnh đã lặn lội đến các buôn làng Tây Nguyên, lên vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), vùng núi phía Bắc để tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số. Nghệ nhân Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới từng chia sẻ: “Chị Minh Hạnh là nhà thiết kế đầu tiên đã dùng vải zèng của người Tà Ôi để thiết kế trang phục tân thời. Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế năm 2015, lần đầu tiên thấy các cô người mẫu sang trọng trình diễn những bộ đồ thời trang may bằng vải zèng, chị em thợ dệt chúng tôi đã bật khóc vì vui sướng, tự hào”.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các chất liệu truyền thống, cũng như những trang phục được làm hoàn toàn thủ công. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp nhất trên thế giới (haute couture) đều được làm bằng tay, rất công phu, tốn kém. “Nếu như chúng ta tận dụng được tinh hoa từ cộng đồng các dân tộc thì giá trị và hàm lượng văn hóa Việt trong các thiết kế sẽ rất cao. Hàm lượng văn hóa Việt trong thiết kế là cách duy nhất để chúng ta tồn tại và chứng minh mình với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay,” chị Minh Hạnh nói.

Tương tự, nhà thiết kế Võ Việt Chung cũng từng chia sẻ về câu chuyện phục hồi chất liệu lãnh Mỹ A. “Chính chất liệu lãnh Mỹ A đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Bởi với việc khôi phục được chất liệu này, năm 2007, tôi đã trở thành nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Người có công khôi phục và phát triển chất liệu truyền thống lãnh Mỹ A”. Tháng 9 vừa qua, nhà thiết kế đã trình làng cùng lúc bộ ba bộ sưu tập mới từ lãnh Mỹ A, song song với đó, anh cũng chuẩn bị cho show diễn kỷ niệm 100 năm lãnh Mỹ A có mặt tại Nam Kỳ Lục Tỉnh. 

Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 1
Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 2
 

Xuất xứ từ làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu (An Giang), lãnh Mỹ A được nhuộm từ nhựa trái mặc nưa, một loại quả dại. Trái mặc nưa khi nghiền ra có mùi thơm đặc trưng, tứa mủ màu xanh, để hồi lâu sẽ ngả đen. Đó cũng là màu đen tuyền mà không một loại màu công nghiệp nào có thể sánh bằng. Nếu được giặt bằng nước mưa, thì vải càng bóng láng, chắc và đẹp theo thời gian.

 “Tôi thích làm mới các chất liệu. Tôi thích lấy những điều bình dị từng gắn bó với người nông dân, và nâng vị thế để làm chúng trở thành các chất liệu cao cấp sánh cùng các sản phẩm Chanel hay Valentino”, Võ Việt Chung chia sẻ. Mấy năm nay, vùng trồng mặc nưa gặp hạn mặn, khiến việc sản xuất lãnh Mỹ A tạm ngưng, nhưng Võ Việt Chung chưa bao giờ bỏ cuộc. “Có thành công nào mà không trải qua thử thách? Ước mơ của tôi là biến lãnh Mỹ A trở thành chất liệu vang danh thế giới. Giấc mộng đó, tôi vẫn đang mơ và xây mỗi ngày”, anh nói.

NHỮNG TÂM HUYẾT VÀ NIỀM TIN KỲ LẠ

Suốt 10 năm qua, nhà thiết kế Vũ Thảo miệt mài chọn cho mình một lối đi riêng, hướng đến những giá trị và tinh thần văn hóa bản địa, bởi với chị, những điều đó mới làm nên bản sắc để định vị thiết kế thời trang Việt trên bản đồ thế giới. “Nhiều kỹ thuật chế tác thủ công của người Việt không được truyền lại cho thế hệ sau ở những môi trường liên quan đến truyền thống, trong đó có môi trường thiết kế. Điều ấy thôi thúc tôi phải làm gì đó trước khi vốn tri thức dân gian quý báu ấy của các cộng đồng ấy biến mất trong cuộc sống đương đại”.

Và cuộc đồng hành cùng các cộng đồng bản địa trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho chính thương hiệu Kilomet 109 của nhà thiết kế Vũ Thảo đã bắt đầu như thế. Chị đã đồng hành cùng cộng đồng người Mông đen ở Sapa (Lào Cai), người Mông xanh ở Pà Cò (Hòa Bình), người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), người Nùng An (Cao Bằng), người Khmer (An Giang)... Với mỗi cộng đồng, Vũ Thảo đều có cách làm riêng để khơi dậy và bảo tồn những kỹ năng nghề truyền thống như dệt, nhuộm chàm, mài đá, vẽ sáp ong…  Gần đây nhất, hành trình phục hồi chất liệu vải tơ chuối - còn có tên là Tiêu Cát - của Kilomet 109 đã mang đến cho cộng đồng nhiều câu chuyện truyền cảm hứng.

Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 3
Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 4
 

Chị Vũ Thảo kể lại: “Tôi đọc trong sách Quảng Chí của Trung Quốc, thấy có chép: ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là Tiêu Cát, dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt, cũng gọi là vải Giao Chỉ… Sau đó, tôi cứ ám ảnh mãi về nguồn gốc của loại vải cổ đại này. Liệu nguồn gốc của nó có phải từ Đại Việt - Việt Nam không?” Năm 2019, Vũ Thảo bắt đầu một hành trình 5 ngày đi tìm giống cây chuối rừng Musa cùng với một nhóm nghệ nhân tơ chuối và nghệ sĩ chất liệu, nhà làm phim đến từ Nhật Bản.

“Ròng rã nhiều ngày tại vùng núi Cao Bằng, trong tay chỉ có 2 bản đồ vẽ tay nguệch ngoạc, ký hiệu toàn bằng tiếng Nhật và một ít tư liệu cộng rời rạc mà chúng tôi thu lượm được qua sách báo, internet, chúng tôi đã tìm thấy lãnh địa của loài chuối hoang Musa. Cùng với các nghệ nhân chất liệu Nùng An, chúng tôi đã lựa chọn những cây đủ tuổi và mang về sơ chế dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân tơ chuối Fukushima đến từ Okinawa”, chị Vũ Thảo nhớ lại. “Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi luôn giữ nột niềm tin kỳ lạ về loại vải Tiêu Cát này, và cuối cùng sản phẩm thời trang được làm bằng vải tơ chuối cũng đã ra đời”.

Hồi tháng 10 vừa qua, buổi workshop "Thể nghiệm chất liệu trong thời trang" do nhà thiết kế Lê Thanh Hòa kết hợp cùng làng lụa Mã Châu (Quảng Nam) tổ chức cũng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu thời trang. Đây là một trong những nỗ lực của nhà thiết kế 8X trong việc quảng bá lụa Việt. Hình thành từ thế kỷ XV, làng lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam từng là vùng chuyên dệt nên dòng lụa hảo hạng, dành cho giới quý tộc và hoàng gia.

Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 5
Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 6
 

Trong thời kỳ Đàng Trong giao thương với nước ngoài qua cảng Hội An, tơ lụa Mã Châu cũng là mặt hàng được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều nhất. Vì được sản xuất hoàn toàn thủ công, màu sắc của các khúc vải không giống nhau 100%. Giá thành sản xuất cao hơn và cũng cần thời gian lâu hơn. Bù lại, vì sử dụng màu nhuộm thiên nhiên từ hạt gấc, vỏ dừa, hạt điều, lá trà… nên chất lụa Mã Châu hoàn toàn mang tinh thần “thời trang bền vững”. Do đó, khoác lên mình sản phẩm bằng lụa Mã Châu, người mặc có thể tự hào vì nguồn gốc thuần Việt và thân thiện với môi trường.

Giáo sư Frances Joseph (khoa Môi trường tương lai, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand) nhận định: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển vật liệu sinh học. Với nền tảng sản xuất thời trang ngày càng phát triển, việc phát triển hàng dệt may có nguồn gốc sinh học bền vững được sản xuất trong nước sẽ mang lại cho ngành công nghiệp Việt Nam một điểm khác biệt, đặc biệt là giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và có sức hấp dẫn cao đối với các công ty thời trang quốc tế đang hướng đến sự phát triển bền vững”.

Rõ ràng, khi thế giới càng phẳng thì yếu tố bản sắc càng được đề cao. Đồng thời, giữa xu hướng phát triển các vật liệu sinh học hiện nay, Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế. Việc tìm về với các chất liệu truyền thống của các nhà thiết kế Việt còn là câu trả lời hiệu quả cho xu hướng phát triển kinh tế bền vững nói chung và thiết kế bền vững nói riêng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chất liệu truyền thống “chắp cánh” cho thời trang Việt bay lên - Ảnh 7