09:25 12/06/2009

Chất vấn: Đòi hỏi và chia sẻ

Minh Thúy

Đại biểu Quốc hội "chấm điểm" chất vấn và trả lời chất vấn, với vị trí người trong cuộc

Đại biểu Trần Hoàng Thám chất vấn bộ trưởng Kim Ngân - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Trần Hoàng Thám chất vấn bộ trưởng Kim Ngân - Ảnh: TTXVN.
Không chỉ có những nhận xét với mong muốn, đòi hỏi ngày càng cao, mà còn có không ít những cảm thông, chia sẻ khi các vị đại biểu Quốc hội "chấm điểm" các vị bộ trưởng vừa trải qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày đầu tiên.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Chất vấn đang nhạt dần

Ông Quốc nói, trong có mấy ngày mà 7 vị thành viên Chính phủ trả lời, chúng ta thấy rất rõ ngay là không thể giải quyết được cái gì cả. Các bạn theo dõi sẽ thấy các nội dung này vẫn thế thôi, chuyện cũ vẫn lặp lại, song với thời lượng như vậy chúng ta không thể đòi hỏi khác được. Đại biểu có thể kỹ năng hỏi ngày một tốt hơn và bộ trưởng có kỹ năng trả lời cũng tốt hơn, nhưng hiệu quả xã hội thì không mấy thay đổi.

Sở dĩ cuộc chất vấn này được cử tri quan tâm là vì có phương tiện truyền thông. Tại sao Quốc hội lại không có một phương tiện truyền thông trực tiếp. Tôi muốn Quốc hội có một kênh mà ở đó việc chất vấn diễn ra thường xuyên. Và tại mỗi kỳ họp chúng ta chỉ chọn một số nội dung do đời sống đặt ra và do tầm nhìn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu phải lựa chọn “một số nội dung” thì theo ông nên chọn vấn đề nào là trúng tại kỳ họp này?

Đương nhiên vấn đề trúng nhất là vấn đề nhạy cảm nhất, vấn đề bauxite, vấn đề biển Đông chẳng hạn, hay chúng ta đã thực sự có cơ hội thoát ra khỏi suy giảm chưa, thì đây là chỗ để tranh luận.

Chúng ta không làm được vậy. Nên những cuộc chất vấn này tôi đã tìm hiểu và thấy rằng nó nhạt dần trong sự quan tâm của xã hội.

Ngoài việc “chọn vấn đề” còn có lý do gì nữa không, thưa ông?

Nó bị nặng về “diễn” do có cả vấn đề về tâm lý nữa. Tôi là đại biểu Quốc hội thì tôi biết, mỗi đợt chất vấn có truyền hình trực tiếp thế này thì đại biểu không chỉ thể hiện việc giám sát và qua giám sát đánh giá hiệu quả của bộ máy hành pháp. Mà còn có hiệu ứng phải chú ý tới là người dân và cử tri giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội.

Vì vậy nên có áp lực về tâm lý muốn xuất hiện và phải xuất hiện, nên dẫn đến rất nhiều trùng lặp về nội dung. Và vì thế nó không tạo ra được hiệu  ứng tích cực. Sáng nay có đại biểu nói rất đúng là giải thích nhiều hơn giải đáp. Trong khi đó giải đáp mới là quan trọng.

Đại biểu Trần Hoàng Thám: Quốc hội sẵn sàng trợ sức

Tp.HCM là đoàn đại biểu có nhiều chất vấn liên quan đến lao động, việc làm và quản lý lao động nước ngoài.

Riêng Trưởng đoàn Trần Hoàng Thám rất tâm đắc vấn đề quản lý thị trường lao động. “Trước khi có cơ chế thị trường, mình đâu có thị trường lao động nên bản thân Chính phủ mình chưa có kinh nghiệm gì. Cái thứ hai là bản thân thị trường lao động lại rất đa dạng, phong phú và phát triển nhanh. Nên những người hoạch định chính sách tuy có cố gắng nhưng lỡ có chưa đáp ứng kịp thì tôi vẫn có thông cảm”, ông nói điều này sau khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội?

Tôi thấy Bộ trưởng trả lời chừng ấy là được rồi. Tôi chất vấn Bộ trưởng làm như thế nào để quản lý thị trường lao động quốc gia tốt hơn và hiệu quả hơn. Đấy là câu hỏi mà tôi không chỉ mong muốn Bộ trưởng trả lời và quan trọng hơn là tôi mong muốn Bộ trưởng và Chính phủ cần phải có cái xem xét cẩn trọng tích cực quyết liệt để sớm có hoạch định về lĩnh vực này

Theo tôi thì sau này Chính phủ cần thảo luận để có những giải phảp quản lý thị trường lao động được tốt hơn. Cái này nó không chỉ giải quyết việc làm cho người đi làm mà nó còn có ý nghĩa cho phát triển kinh tế, cho an sinh xã hội và sâu sa hơn nó còn có ý nghĩa cho quốc phòng an ninh nữa.
Nếu một đất nước mà bị thất nghiệp nhiều, lao động mà bị ức hiếp thì lâu dài lòng dân không yên.

Tôi chỉ muốn là phải có quyết tâm cao hơn nữa và phải có kế hoạch hiệu quả hơn nữa. Đừng nghĩ vì sức của mình mà hãy nghĩ đến nhu cầu của cuộc sống để có giải pháp mình huy động lực lượng, mình xoay sở hoạch định chính sách. Cuộc sống đâu có chờ các nhà hoạch định chính sách đâu mà những nhà hoạch định chính sách phải ngấm vào máu những yêu cầu của cuộc sống để rồi mình đáp ứng nhu cầu.

Khi chất vấn ông có nói, Quốc hội chia sẻ, góp sức thêm cho Chính phủ để khắc phục tình trạng quản lý lao động như hiện nay. Và Bộ trưởng đã đề xuất xây dựng luật quản lý lao động nước ngoài?

Tôi đang cân nhắc về việc này bởi vì Quốc hội làm việc theo quy chế của Quốc hội. Nhưng dù quy chế nào thì nếu nhu cầu cuộc sống bức xúc và cơ quan chuẩn bị có chất lượng thì Quốc hội nào có hẹp hòi gì mà không thông qua.

Tuy nhiên nó phải nằm trong tổng thể những giải pháp để quản lý thị trường lao động. Tôi cũng chưa có điều kiện để cân nhắc kỹ xem đó đã phải là điều kiện chính chưa trong biện pháp quản lý thị trường lao động.

Theo luật thì cá nhân đại biểu Quốc hội cũng  quyền trình dự án luật luật?

Đất nước mình thì hình như chưa có đại biểu nào làm được việc đó đâu. Tôi sẽ suy nghĩ thêm, tôi nghĩ tôi sẽ làm hết lòng, cái đó phải giúp cho Chính phủ thôi.