06:00 24/07/2021

Châu Á - Thái Bình Dương: Các nhà đầu tư rốt ráo "đổ" vốn vào bất động sản hậu cần và công nghiệp

Mộc Minh

Nửa đầu năm 2021, giá trị giao dịch bất động sản tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 83,5 tỷ USD, tăng mạnh ở bất động sản hậu cần và công nghiệp…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Phân tích của JLL về dòng vốn đầu tư trong quý 2/2021 cho thấy tỷ lệ các khoản đầu tư vào lĩnh vực văn phòng, lĩnh vực hậu cần và công nghiệp và lĩnh vực bán lẻ lần lượt chiếm 31%, 30% và 30%.

ĐẦU TƯ VÀO HẬU CẦN VÀ CÔNG NGHIỆP TĂNG HƠN 2 LẦN

Báo cáo chuyên về các thương vụ đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương của JLL vừa công bố cho thấy nguồn vốn đầu tư đổ vào bất động sản thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nửa đầu năm 2021 đạt 83,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ 2020 và chỉ thấp hơn 6% so với cùng kỳ 2019.

Các thị trường được "rót" tiền nhiều gồm: Trung Quốc, Úc và Hàn Quốc, với lượng vốn đầu tư tới 57,6 tỷ USD, chiếm 69% tổng khối lượng đầu tư. Trong khi đó, thị trường đầu tư tại Nhật Bản bị suy yếu do gián đoạn của Covid-19.

Nguồn vốn tập trung mạnh nhất vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp khi nguồn tiền "đổ" vào đây tăng tới 215% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 15 tỷ USD. Điều này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của thương mại điện tử, chênh lệch lợi suất và nhu cầu đa dạng hóa tài sản nhắm vào các loại bất động sản linh hoạt hơn của các nhà đầu tư.

Điển hình là thương vụ Công ty hậu cần Bất động sản ESR mua lại danh mục đầu tư gồm 45 nhà kho và các tài sản hậu cần của Blackstone tại Úc, cho thấy nhu cầu rất lớn về tài sản công nghiệp và hậu cần có chất lượng cao trong khu vực.

Ở lĩnh vực văn phòng, trong quý 2/2021 cũng nhận được lượng đầu tư 15,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư chú ý đến thị trường văn phòng khu vực trung tâm của Úc, thị trường này đã ghi nhận mức hấp thụ ròng tích cực lần đầu tiên kể từ quý 4/2019.

 
"Tại Nhật, Hulic đã mua và thuê lại trụ sở chính của Dentsu ở Tokyo, với giá lên tới 3 tỷ USD. Tại Úc, cửa hàng của David Jones ở Sydney được bán cho Charter Hall với giá 374 triệu USD, thời hạn thuê lại trong 20 năm".
Báo  cáo của JLL.

Ở lĩnh vực chuyển nhượng và thuê lại bất động sản, các giao dịch cũng tăng trở lại và chiếm hơn 10% tổng khối lượng đầu tư. Đây là mức tăng tốt so với tỷ trọng trung bình 7% trên tổng đầu tư ở giai đoạn 2015 - 2020.

Hoạt động chuyển nhượng và cho thuê lại bất động sản nở rộ tại Nhật Bản, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phải tái thiết chiến lược tài sản để cân đối tài chính kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại Úc, nhiều tập đoàn đã bán và thuê lại bất động sản của họ để củng cố tài chính và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN ĐƯỢC SĂN TÌM

Các hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, khi các hạn chế di chuyển được giảm dần ở các quốc gia. Nghiên cứu mới đây của Savills kỳ vọng 47% tổng vốn đầu tư sẽ đến từ các nhà đầu tư quốc tế, khoảng 50% đến từ các nước láng giềng vào năm 2022.

Ông Stuart Crow, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn Châu Á - Thái Bình Dương của JLL, cho rằng thị trường đầu tư bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ có nhiều thương vụ hơn nữa trong nửa cuối năm 2021, khi các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm cơ hội mua bán và cho thuê lại bất động sản, đồng thời muốn đa dạng tài sản khi quan tâm đến lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, khoa học đời sống và nhà ở đa thế hệ. Các thương vụ bán và cho thuê lại sẽ có lượng đầu tư sẽ tăng từ 15 - 20% trong năm 2021.

 
"Dự báo lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp sẽ tăng gấp đôi, lên 50-60 tỷ USD vào năm 2025". 
Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn Châu Á - Thái Bình Dương của JLL.

Khảo sát của Savills cho thấy hoạt động cho thuê thương mại năm 2022 được kỳ vọng sẽ trở lại ngang bằng với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ tuỳ thuộc vào từng thị trường.

Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam được nhìn nhận có nhiều triển vọng trong các hoạt động cho thuê. Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự chuyển đổi mô hình làm việc linh hoạt chậm hơn so với các khu vực khác.

Đối với lĩnh vực bất động sản văn phòng, theo đánh giá của Savills, thị trường tại Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu và Seoul dự kiến sẽ chiếm 60% tổng vốn đầu tư.