Châu Âu “treo” lệnh trừng phạt mới trước mặt Nga
Việc các biện pháp trừng phạt mới của EU với Nga chưa được áp dụng ngay được xem là hành động có chủ ý
Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (8/9) thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt này chưa được áp dụng ngay.
Theo hãng tin BBC, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Herman Van Rompuy nói rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhằm “thúc đẩy sự thay đổi phương hướng hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine”.
EU cho rằng, Nga tiếp tay cho quân nổi dậy Ukraine gây bất ổn ở miền Đông, bất chấp Nga cương quyết phủ nhận cáo buộc này.
EU cho rằng, Nga tiếp tay cho quân nổi dậy Ukraine gây bất ổn ở miền Đông, bất chấp Nga cương quyết phủ nhận cáo buộc này.
Tuy vậy, EU tỏ ra “mập mờ” về việc gói trừng phạt mới tới thời điểm nào mới được chính thức áp dụng. Đây được xem là một hành động có chủ ý, nhằm chờ xem lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine có được duy trì hay không.
Cho tới hôm qua, lệnh ngừng bắn có vẻ như vẫn được các bên tuân thủ, dù Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), cơ quan giám sát việc ngừng bắn, nhận định tình hình là khá mong manh.
Trong một diễn biến khác, quân nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine hôm qua đã thả 1.200 binh sỹ Ukraine bị bắt. Thông tin này được chính Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko công bố. Theo ông Poroshenko, việc phóng thích tù binh này tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà Kiev ký với quân nổi dậy hôm thứ Sáu tuần trước, trong đó có nội dung hai bên trao đổi tù binh.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Poroshenko tới thăm thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền Đông Nam Ukraine, nơi hứng chịu đạn pháo từ quân nổi dậy trong mấy ngày trước khi có lệnh ngừng bắn. Ông Poroshenko viết trên mạng Twitter: “Mariupol là Ukraine. Chúng tôi sẽ không nhường mảnh đất này cho bất kỳ ai”.
Nội dung cụ thể các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga chưa được EU công bố hôm qua. Theo dự kiến, chi tiết lệnh trừng phạt sẽ được đưa ra trong ngày hôm nay (9/9). Ngành công nghiệp khí đốt của Nga được cho là sẽ không nằm trong gói trừng phạt mới này, nhưng các công ty dầu lửa quốc doanh lớn của xứ bạch dương như Rosneft và Transneft thì có thể nằm trong diện bị trừng phạt.
Lệnh trừng phạt mới sẽ không cho phép các công ty Nga trong danh sách được huy động vốn dài hạn tại châu Âu. Cách trừng phạt như vậy dường như sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ của các công ty dầu lửa Nga với khách hàng trong EU. Khoảng 90% lượng dầu thô mà EU sử dụng mỗi năm được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó Nga là nhà cung cấp lớn nhất.
Trước khi châu Âu công bố phê chuẩn bổ sung trừng phạt Nga, Moscow đã cảnh báo có thể sẽ cấm các chuyến bay quốc tế đi qua không phận của mình.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng, Moscow sẽ đáp trả lệnh trừng phạt mới từ EU. Ông Medvedev tuyên bố trên một tờ nhật báo Nga rằng, việc Nga áp dụng lệnh cấm trên không phận “có thể khiến nhiều hãng hàng không đang làm ăn khó khăn lâm cảnh phá sản”.