10:14 04/04/2025

Chi tiết các nhóm ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh do thuế suất 46% của Mỹ

Thu Minh

Chứng khoán MBS đánh giá các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, Bất động sản Khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới, theo đó thuế suất 10% sẽ được áp dụng lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ (hiệu lực từ ngày 5/4) và mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9/4. 

Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng mức thuế đối ứng phản ánh các rào cản thương mại mà các nước này đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ trong suốt thời gian qua, cũng như bao hàm cả yếu tố thao túng tiền tệ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, lên đến 46%.

Theo chứng khoán MBS, mức thuế đối ứng cao sẽ tác động tiêu lên ba khía cạnh kinh tế chính.

Thứ nhất, thuế suất đối ứng cao làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc da giày,… trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%),…

Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1.

Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.

Thời điểm hiện tại, mức thuế suất đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. MBS cho rằng tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn có hiệu lực về mức thuế cam kết được áp dụng theo Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12/2001.

Vì vậy, các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, Bất động sản Khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện,… chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

Chi tiết các nhóm ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh do thuế suất 46% của Mỹ  - Ảnh 1

Cụ thể, với dệt may: Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá 16,1 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị xuất khẩu. Sản phẩm dệt may gia công từ Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Srilanka... với các mức thuế đối ứng thấp hơn. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn sẽ chịu ảnh hưởng như MSH (70%), TNG (50%), TCM (25%), STK (10%).

Máy tính linh kiện điện tử: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 23,2 tỷ USD, chiếm 32 tỷ trọng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor. Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia... Tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản Khu công nghiệp và vận tải logistics.

Máy móc thiết bị dụng cụ: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 22 tỷ USD, tỷ trọng 42,3%. Các doanh nghiệp chủ yếu trong nhóm mặt hàng này như Rockwell Automation, First Solar cũng là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ, ngoài ra còn 1 số doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc, Hongkong. Tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản Khu công nghiệp và vận tải logistics.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ: Trị giá xuất khẩu sang Mỹ 9,1 tỷ USD, tỷ trọng 56%. Trong quá khứ với những lợi thế về giá thành rẻ nhờ chi phí nhân công và chi phí nguyên liệu rẻ do 70% nguyên liệu là từ trong nước, Việt Nam vươn lên top 3 nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Mỹ. Nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, khiến giá các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh do giá thành tăng cao, ngang bằng với đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc,

Theo đánh giá, các quốc gia như Canada hiện chiếm 46,4% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ, hay các nước trong khu vực như Indonesia chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ, Malaysia 0,1% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ có cơ hội để gia tăng thị phần nhờ những lợi thế về giá khi chỉ bị áp thuế ở mức 10-25%.

Giày dép: Trị giá xuất khẩu 8,3 tỷ USD, tỷ trọng 36,2%. Nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong các năm trước nhiều hãng sản xuất giày dép đã dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, trong đó bao gồm 1 số hãng nổi bật nhất như: Nike hiện sản xuất khoảng 25% sản phẩm tại Việt Nam, Ugg và Hoka (hiện Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ 2), VF Corporation - sở hữu các hãng như Vans, Timberland (khoảng 18% nguồn cung từ Việt Nam). Hiện không có doanh nghiệp niêm yết liên quan đến sản xuất da giày, song các doanh nghiệp phát triển Bất động sản khu công nghiệp và logistics đường biển sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất

Với Thủy sản: Trị giá xuất khẩu 1,5 tỷ USD, tỷ trọng 18,2%. Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực đang có mức ưu đãi về thuế xuất khẩu sang Mỹ như tôm và cá tra, do vậy, việc áp thuế đối ứng ảnh hưởng khá tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành thủy sản.

Cụ thể, về ngách tôm tại Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đạt 691 triệu USD, chiếm 18% tổng lượng tôm xuất khẩu năm 2024, sản phẩm tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh cao với Tôm tại Ecuador và Ấn Độ (thuế áp dụng cho VN trước thuế đối ứng tốt hơn 1-6d% so với cả Ấn Độ và Ecuador - 2 quốc gia mạnh về quy mô và chi phí sản xuất), bên cạnh đó có cả Indonesia.

Về ngách cá tra tại Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đạt 345 triệu USD, chiếm 17% tổng lượng cá tra xuất khẩu năm 2024, ở Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 (sau Trung Quốc), bên cạnh đấy có Indonesia đang dần tăng tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ.